Việc thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp ngân sách thành phố tăng nguồn thu nhưng sẽ dẫn đến hệ quả là đẩy giá nhà, đất Tp.HCM tăng lên.

Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan về việc chưa đánh thuế tài sản.

Nằm trong dự thảo quy định cơ chế đặc thù cho thành phố, nghiên cứu về đề xuất thí điểm đánh thuế tài sản tại Tp.HCM, hiệp hội nhận thấy hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng thuế tài sản, nhất là thuế bất động sản (thuế nhà, đất) với người sở hữu tài sản, bất động sản (BĐS). Đây là một nguồn thu bền vững và ổn định cho ngân sách.

Chẳng hạn, tại Mỹ, bang California đánh thuế BĐS khoảng 1,23%/năm trên giá trị tài sản. Như vậy, 100% giá trị của BĐS sẽ được thu thuế sau khoảng 81 năm, sau đó sẽ bước sang chu kỳ thu thuế tiếp theo.

Hiệp hội đề nghị thời điểm hiện tại chưa nên thí điểm đánh thuế tài sản tại Tp.HCM, mà nên lùi lại vào sau năm 2020 sẽ phù hợp hơn. Và nên áp dụng đồng thời trên cả nước thay vì thí điểm tại Tp.HCM hay bất cứ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào.

Bởi nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS vẫn chưa vững chắc, đang trong giai đoạn phục hồi và tăng trưởng. Hơn nữa, giá nhà tại Việt Nam vẫn rất cao, gấp 25 lần mức thu nhập trung bình (trong khi biên độ này tại các nước phát triển chỉ 5-7 lần), thu nhập của người dân vẫn chưa ổn định và còn thấp.

đánh thuế tài sản

Tiền sử dụng đất hiện chiếm khoảng 50% giá nhà biệt thự, khoảng 30% giá nhà phố và khoảng 10% giá căn hộ chung cư

Việc thí điểm đánh thuế tài sản có thể giúp ngân sách thành phố tăng thêm nguồn thu nhưng sẽ đẩy giá nhà, đất Tp.HCM tăng lên, gồm cả đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, từ đó kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ cũng tăng theo.Tại Tp.HCM, dù tầng lớp trung lưu hàng năm tăng mạnh, GDP đã vượt mức 5.000 USD/người và dự kiến đến năm 2020 sẽ vượt mức 10.000 USD/người nhưng chi phí cho cuộc sống trên thực tế tại đây vẫn rất đắt đỏ so với những tỉnh thành khác.

Cuộc sống vì thế sẽ càng đắt đỏ hơn, đặc biệt sức cạnh tranh của thành phố sẽ càng giảm do những địa phương khác chưa đánh thuế tài sản.

Hiệp hội đề nghị, để tránh tình trạng thuế chồng thuế hoặc tận thu, khi dự thảo thuế tài sản phải xem xét tổng thể trong cấu trúc hệ thống và chính sách thuế một cách đồng bộ. Hiệp hội nhận thấy, chính sách thuế, thu tiền sử dụng đất chính là một nguyên nhân khiến giá nhà, đất đang ở mức cao so với thu nhập.

Dù không được gọi là thuế nhưng “tiền sử dụng đất” vẫn là một khoản lớn nộp vào ngân sách. “Tiền sử dụng đất” thường chiếm khoảng 50% giá nhà biệt thự, khoảng 30% giá nhà phố và khoảng 10% giá căn hộ chung cư. Vì thế, nếu đánh thuế tài sản, phải giảm tiền sử dụng đất.

Ngày 8/11/2013, UBND Tp.HCM đã đề nghị Chính phủ thay thế “tiền sử dụng đất” bằng “thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở”, với mức thu 10 hoặc 15% giá đất trong bảng giá đất (sát giá thị trường) của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (bỏ quy định Chính phủ ban hành khung giá đất hiện nay).

Hiệp hội cho rằng, chỉ nên “thí điểm” khi tăng “quyền”, “quyền lợi” hoặc giảm “nghĩa vụ”, “trách nhiệm” với đối tượng chịu tác động.

Vì vậy, việc thí điểm đánh thuế tài sản tại Tp.HCM nghĩa là tăng nghĩa vụ nộp thuế (nghĩa vụ tài chính) với mọi chủ thể sở hữu tài sản.

Việc làm này sẽ khiến thu nhập thực tế giảm đi, gây bất lợi cho người dân, kéo theo sự dịch chuyển dân cư, dòng vốn đầu tư và thị trường BĐS thành phố khi đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực.

Hiệp hội đề nghị vào sau năm 2020, khi xây dựng Luật Thuế tài sản, nhà, đất phải đảm bảo phù hợp với điều kiện đất nước, như chưa đánh thuế với nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội, người chỉ có một nhà để ở, giá trị dưới 1 tỷ đồng ở đô thị hoặc nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn.

 

(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)