Quảng trường là không gian hoạt động công cộng của đô thị, được tạo nên bởi các sự kết hợp hoặc hạn định của kiến trúc thích hợp xung quanh, gắn kết với mạng lưới giao thông, kết nối những thành tố độc lập thành một tổng thể thống nhất. Trong những năm gần đây, nhiều đô thị được hình thành, các đô thị đều dành quỹ không gian nhất định cho quảng trường, nó được xem như là biểu tượng, là hồn và không thể thiếu của đô thị hiện đại.

   Quảng trường Ba Đình lịch sử

Từ thời cổ đại La Mã, quảng trường đã là yếu tố không thể thiếu trong quần thể đô thị, nói đến nước Ý là nói tới quảng trường và ngược lại. Điển hình là quảng trường Piazza Navona, một trong những kiến trúc đẹp nhất của thành phố Roma hoành tráng, quảng trường Piazza Navona đã tồn tại từ rất lâu nhưng phải đến thế kỷ 15 mới được nhớ đến sửa sang và tôn tạo lại.

Quảng trường Piazza Navona ở thành phố Rome – Ý

Công năng cơ bản của quảng trường là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa như hội họp, mít tinh, là nơi tổ chức các lễ hội tôn giáo…sau dần phát triển thêm là nơi kỷ niệm, vui chơi, biểu diễn, giao tiếp, nghỉ ngơi…Ngày nay, quảng trường đã không còn đơn giản chỉ là nơi thể hiện quyền lực tôn giáo, hay là nơi những nhà chính thị, nhà diễn thuyết….mà còn là nơi vui chơi giải trí của dân cư đô thị. Cho dù hiện nay công năng của quảng trường đã biến đổi theo nhiều hướng khác nhau, nhưng đều có 2 vai trò chính trong một đô thị hiện đại:

Là nơi người dân đến tập hợp, tham gia vào các hoạt động nghỉ ngơi, văn hóa hay nói cách khác là địa điểm chung cho người dân thành phố…

Với vai trò là điểm nhấn trong đô thị, quảng trường là nơi diễn ra các hoạt động có mục đích về thương mại, chính trị và tôn giáo….

Quảng trường Hùng Vương – tỉnh Bạc Liêu được đánh giá là một trong những quảng trường đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hoạt động văn hóa, chính trị, xã hội đã được diễn ra tại đây.

Ở Việt Nam, nhiều quảng trường bị xem là hời hợt và thiếu điểm nhấn, không hòa hợp với môi trường xung quanh, thiếu tính thẩm mỹ và rất nông cạn trong việc sử dụng. Mặc dù không gian rất rộng nhưng chức năng chính cũng chỉ quanh quẩn ở việc đi dạo của người dân, làm chỗ hò hẹn của các đôi trẻ, những hoạt động văn hóa trình diễn diễn ra rất ít và chủ yếu là vào các ngày lễ lớn của đất nước. Tình trạng xây dựng quảng trường theo kiểu dập khuôn, để gọi là có, chứ không thể hiện hết được công năng và vai trò của nó trong đời sống đô thị.

Có một thực tế là vì bất động sản luôn là món hàng quá béo bở cho các doanh nghiệp đặc biệt nếu nó nằm ở vị trí trung tâm, nên những bản vẽ quy hoạch dù có tốt đến đâu nhưng đến tay các nhà quản lý, các doanh nghiệp để họ xây dựng theo ý của mình thì ý nghĩa và không gian quảng trường bị méo mó, bớt xén không thương tiếc, dẫn đến mất mỹ quan và thiếu hồn.

 

Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng – Ninh Bình bị lãng quên và bỏ hoang, giới chuyên môn nhận xét yếu tố tạo hình kém.

Tuy nhiên nhiều quảng trường được các nhà quy hoạch đánh giá là đảm đương được 2 vai trò chính của mình trong không gian đô thị như: Quảng trường Ba Đình – Hà Nội,, quảng trường Hùng Vương – Bạc Liêu, quảng trường 16/4 – Phan Rang, Ninh Thuận…

Quàng trường Ba Đình – Hà Nội là một trong những nơi hiếm hoi giữ được một không gian quảng trường hoàn hảo với điểm nhấn là lăng Bác, không gian giao thông bao quanh một cách hợp lý, với mục đích chính là nơi diễn ra các hoạt động mang tầm vóc chính trị như mit tinh, diễu hành, đó cũng là một không gian đẹp cho người dân đến tản bộ, thư giãn, nghỉ ngời, nhưng do được xem là chốn linh thiêng nên ít có các sự kiến văn hóa mang tính biểu diễn nghệ thuật diễn ra ở đây.

 

Quảng trường 16/4 (bên phải), đối diện là Bảo tàng Chăm – Ninh Thuận (bên trái) – điểm nhấn của thành phố Phan Rang.

Quảng trường 16/4 nằm tại trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, đối diện bảo tàng Chăm Ninh Thuận. Quảng trường này rất rộng lớn, khoáng đạt, kiến trúc mang màu sắc riêng của Ninh Thuận, là quần thể không gian tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa và vui chơi lý tưởng cho người dân và du khách đến Ninh Thuận.

Quảng trường là yếu tố và điểm nhấn quan trọng của đô thị hiện đại, tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc bỏ qua công năng cơ bản của nó thì vô cùng lãng phí cả về kinh phí và làm giảm vai trò kết nối không gian và tính tương tác của dân cư đô thị. Vì vậy, rất cần sự tham gia của các đồ án quy hoạch có tính bền vững và cái tâm của người làm quản lý đô thị.

(Theo hacomholdings.vn)