Bên cạnh việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho khu đô thị, các yếu tố về vị trí, hạ tầng, ước định quy mô, xây dựng dịch vụ tiện ích và ứng dụng công nghệ là những tiêu chí được các chuyên gia đề cao trong phát triển đô thị tại Việt Nam.

Với tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam từ mức 21,7% năm 1999 lên 35,7% năm 2017 (bình quân tăng khoảng 0,8 điểm %/năm); tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình hàng năm từ 2-3,4%, Việt Nam đang rất cần phát triển các khu đô thị quy mô để phục vụ nhu cầu lưu trú của người dân. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng phát triển đô thị tại Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập .

Ông Nguyễn Đỗ Dũng – Giám đốc điều hành EnCity chỉ ra, không ít dự án khu đô thị mới ở Việt Nam được đầu tư hàng tỷ đô la nhưng sau nhiều năm vẫn chỉ là những không gian trống, không có cư dân sinh sống, gây lãng phí nguồn lực đất đai, tiền đầu tư của Nhà nước. Về đặc trưng, việc quy hoạch đô thị rất khác so với việc thi công một công trình nhà ở hay hạ tầng. Nếu không được tính toán kỹ lưỡng, bài bản, việc phát triển các khu đô thị mới rất khó thành công.

Ông Dũng nhìn nhận, nguyên nhân khiến hầu hết các đô thị hiện nay quy hoạch thất bại là do dòng tiền. Các đô thị lớn với quy hoạch được điều chỉnh linh hoạt đòi hỏi một nguồn tiền lớn rót xuống tiên tục. Trong khi đó, ở nước ta các đô thị thường được xây dựng trong thời gian dài, gần như khó có thể đáp ứng được nguồn vốn để xây dựng, nhất là trong các thời điểm thị trường gặp khủng hoảng khiến dự án bị đóng băng rất lâu.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng, thách thức lớn đối với việc phát triển đô thị mới còn là chuyện phải thu hút cư dân và xây dựng một cộng đồng sống tốt, xây dựng một hệ thống hạ tầng giao thông linh hoạt, tạo thuận lợi kết nối vùng, đa dạng hoạt động kinh tế và linh hoạt trong vận hành. Điều này đòi hỏi không chỉ tầm nhìn hoạch định lâu dài mà còn phải có nguồn vốn đầu tư lớn.

phát triển đô thịPhát triển đô thị đang là thách thức lớn của Việt Nam. Trong ảnh là một
góc Tp.HCM. Ảnh: Báo Xây dựng

Bàn về giải pháp phát triển các đô thị hiện nay, giám đốc điều hành EnCity cho rằng, trước hết là chủ đầu tư cần lựa chọn vị trí phát triển tốt, có liên kết vùng thuận lợi. Một khu đô thị cần sở hữu vị trí chiến lược với tiềm năng phát triển mở rộng, lâu dài, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ. Các chủ đầu tư không chỉ tận dụng lợi thế giao thông sẵn có mà cần chủ động đầu tư phát triển giao thông hạ tầng cho chính dự án của mình. Điều này sẽ giúp thay đổi quan niệm về khoảng cách, đem lại sự thuận tiện và an toàn cho cư dân, giảm áp lực giao thông lên tuyến đường của thành phố.

Ngoài ra, trước khi quy hoạch phát triển khu đô thị, chủ đầu tư cần ước định quy mô dự án: không quá lớn để phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường, không quá nhỏ để cung cấp tiện ích cộng đồng; có chiến lược phân kỳ phát triển sản phẩm. Nếu không có chiến lược phân kỳ thì sản phẩm thì lượng căn hộ phát triển quá lớn, khiến thị trường khó hấp thụ được. Trong khi đó, việc phát triển các phân khu dự án có quy mô phù hợp với tiện ích đồng bộ sẽ rất hấp dẫn và thu hút khách hàng, đảm bảo dòng tiền cho dự án. Mỗi giai đoạn dự án nên có quy mô trung bình 70 ha với quy mô dân số 15.000-20.000 người, thực hiện cuốn chiếu trong thời gian 5 năm và phát triển từ ngoài vào trong để tạo quy mô dân số cho hoạt động thương mại ở lõi.

Bên cạnh đó, việc đa dạng các sản phẩm nhà ở, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, tạo ra hệ sinh thái dịch vụ và việc làm tại chỗ, tập trung hoá tiện ích xã hội thành những khu có diện tích lớn để có thể xây dựng công trình có tiêu chuẩn cao và dễ thu hút đầu tư, sẽ giúp giảm rủi ro thị trường. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tạo ra các dịch vụ tốt cho cư dân.

đường Lê Văn Lương
Một phần tuyến đường Lê Văn Lương, Hà Nội với các cao ốc
chen chúc nhau. Ảnh: Enternews

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Quang – Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Vinhomes cho rằng, trong phát triển các khu đô thị, việc chủ động xây dựng một chuỗi hệ sinh thái sẽ giúp gia tăng giá trị các sản phẩm bất động sản, mang lại chất lượng sống tối ưu. Một hệ sinh thái hoàn hảo bao gồm hệ thống tiện ích khép kín và đồng bộ, từ trường học, cơ sở y tế tới các sân thể thao, khu vui chơi, trung tâm thương mại, cửa hàng, ẩm thực… xoay quanh trục bất động sản.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cũng cần chủ động tạo ra chuỗi giá trị mềm, làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm bất động sản theo thời gian. Giá trị mềm chính là dịch vụ quản lý đô thị chuyên nghiệp và tận tâm, hệ thống an ninh, an toàn, PCCC đảm bảo và các hoạt động gắn kết cộng đồng thân thiện, văn minh.

Nhiều chuyên gia đầu ngành cũng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ vào phát triển lĩnh vực bất động sản. Ông Yoon Young Kim – Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam nhìn nhận, xu hướng ứng dụng công nghệ vào phát triển nhà ở sẽ gia tăng mạnh mẽ tại Việt Nam trong tương lai, không chỉ là ứng dụng vào trong thiết kế nhà mà có thể tác động đến cách vận hành quản lý chung cư/tòa nhà như quản lý thông tin dân cư; thông tin hóa đơn điện, nước, dịch vụ hàng tháng; phản hồi của dân cư về cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ; tích hợp hệ thống quản lý đậu xe thông minh; hệ thống báo cháy thông qua điện thoại…

Nếu 10 năm trước, phát triển nhà ở chỉ tập trung vào sử dụng các thiết bị dùng dây cáp kết nối, màn hình cảm biến cố định và remote cầm tay thì đến nay, các biệt thự và căn hộ cao cấp đã dùng công nghệ mới như Zigbee Wireless, máy tính bảng, điện thoại thông minh, giọng nói… quy mô và thị phần lĩnh vực nhà thông minh sẽ đạt gần 53,45 tỷ USD vào năm 2022.

Khoảng 82% nhân viên và tổ chức môi giới bất động sản nghĩ rằng nhà thông minh hỗ trợ họ bán bất động sản dễ dàng hơn. Điều này hoàn toàn có cơ sở để nhận định, chỉ 2-3 năm sau sẽ có thêm hàng ngàn căn hộ thông minh tại Tp.HCM của các thương hiệu lớn như Vinhomes, Sơn Kim hay Novaland.

 

(Theo Tuổi trẻ online)