Thị trường nhà đất Tp.HCM thời gian qua ghi nhận sự quay trở lại của giới đầu cơ tham gia vào các giao dịch để đạt lợi nhuận trong thời gian ngắn hạn.
Chỉ chuộng đầu cơ
Thay vì đầu tư dài hạn, nhiều khách hàng hiện nay đang chuyển sang “lướt sóng” kiếm lời nhanh trong thời điểm BĐS đang có nhiều biến động giá. Mua một lô đất thổ cư 160m2 tại khu vực Hoà Phú, Củ Chi từ tháng 8/2017 với giá 700 triệu, ông Đỗ Xuân Thanh vui mừng cho biết vừa bán ra vào đầu tháng 3 với giá 1,3 tỷ. Như vậy, chỉ sau có 7 tháng, ông đã lời đến 600 triệu. Với số tiền trên ông tiếp tục nhờ mấy “cò” đi săn đất tìm giúp một lô mới ở Ngã Ba Dòng với giá 1,5 tỷ và treo biển bán lại gần 2 tỷ. Nhà đầu tư này khẳng định về lâu dài vẫn chọn đầu tư đất dài hạn nhưng hiện tại thì ông chỉ có nhu cầu lướt sóng nhanh.
Trường hợp như ông Thanh không phải là cá biệt. Cơn sốt đất nền đang kéo theo một loạt nhà đầu tư không chuyên, dân đầu cơ và lướt sóng BĐS trở lại thị trường. Hiện tượng mua nhanh, bán nhanh diễn ra phổ biến với nhiều trường hợp đầu tư sang tay trong tháng, trong tuần và cả trong ngày. Theo chân anh Nguyễn Mạnh Đáng, một môi giới nhà đất quận 9 đi thực tế thị trường, PV Batdongsan.com.vn chứng kiến tình trạng một mảnh đất 350m2 khu vực Liên Phường được sang tay 3 lần chỉ trong 1 ngày. Anh Đáng, người môi giới trực tiếp khu đất này cho biết, lần đầu giao dịch khu đất này có giá 7,8 tỷ, đến hiện tại thì giá bán ra mới nhất là 10,4 tỷ. Như vậy chỉ sau 24h sang tay, giá đất tăng thêm 2,6 tỷ đồng, trung bình một lần rao bán lại giá tăng thêm 800 triệu.
Tâm lý “lướt sóng ăn nhanh” đang khiến nhà đất nhiều khu vực tại Tp.HCM loạn giá. Ảnh minh họa
Lợi nhuận cao trước mắt đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang đầu cơ, lướt sóng. Ông Bằng, giám đốc một sàn giao dịch tại quận 9 cho biết, hiện tại 50% nhà đầu tư tham gia giao dịch đất là để lướt sóng, sang tay nhanh. Vị này cũng chia sẻ có ít nhất 30% nhà đầu tư lâu năm từng làm việc với sàn chuyển sang lướt sóng trong giai đoạn này do lợi nhuận thu về khá. Ngoài ra, không ít khách hàng là nhà đầu tư không chuyên như giới công chức văn phòng, tiểu thương cũng nhảy vào thị trường kiếm lời thời gian này. Họ chủ yếu vẫn là lướt sóng, ngắn thì 1-2 tuần, nhiều 3-4 tháng. Hầu hết đều có mong muốn bán ra nhanh, chậm nhất là 5 tháng vì sợ cơn sốt đất qua đi.
Thực trạng “lướt sóng” cũng diễn ra rộng rãi ở phân khúc căn hộ cao cấp. Bà Cẩm Tú, một khách hàng mua căn hộ cao cấp tại quận 10 cho biết, nhờ quen biết nên bà được ưu tiên một suất căn hộ, ngay lập tức có nhà đầu tư ngỏ ý trả thêm gần 270 triệu để mua lại suất đầu tư này. “Họ mua lại cũng để lướt sóng đợt đầu, bán ra ở các đợt sau hưởng chênh chứ không để ở”. Được biết, ngay khi căn hộ này chào bán, gần như 100% nguồn cung được tiêu thụ hết và 30% trong số đó là mua để “lướt sóng” đợt đầu.
Theo một giám đốc kinh doanh tại sàn giao dịch ở quận 4, loại hình nhà cao cấp đang được dân “lướt sóng” ưa chuộng, nếu bình thường trong 100% người mua đầu tư chỉ có khoảng 30% là mua lướt sóng thì hiện tại, con số này đang tăng lên 40-50%. Hoạt động lướt sóng không chỉ diễn ra với các dự án cao cấp có vị trí đẹp, thuộc trung tâm mà cả ở một vài dự án trung cấp, bình dân.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ giới đầu cơ, lướt sóng BĐS rầm rộ trở lại thị trường đất nền là do tâm lý chuộng đất nền còn nặng, cùng với đó là nỗi lo hết nguồn cung đất. Nguồn cung bung ra bán từ cuối năm 2017 đến nay rất hạn chế, hầu như chưa có nguồn cung lớn nào tại khu Đông, hoạt động giao dịch chủ yếu vẫn là các sản phẩm thứ cấp của dân đầu tư chào bán lại trước đó.
Loạn giá bán
Lướt sóng đất nền vẫn là xu hướng được các nhà đầu tư ưa chuộng. Trong ảnh là một dự án đất nền tại khu Đông. Ảnh: Phương Uyên
Thị trường đất nền đang loạn giá vì giới đầu cơ. Theo quan sát thì cứ sau mỗi lần giao dịch, giá 1 lô đất sẽ bị đẩy lên từ 10-15% so với giao dịch trước đó. Ví như 1 lô đất trên đường Nguyễn Cư Trinh, 1 tuần trước có nhà đầu tư mua vào giá 28 triệu/m2, hiện đang bán lại với giá 34 triệu/m2. Tại khu Thảo Điền, quận 2, do quỹ đất khan hiếm nên chỉ cần 1 sản phẩm chào bán ra, giá giao dịch có thể chênh từ 20-30% mỗi lần sang tay. Một nhà đầu tư cho biết, chỉ sau 1 tuần lô đất 2,1 tỷ của chị đã sang tay lại với giá 2,8 tỷ, lãi ngay 700 triệu một cách dễ dàng. Việc các lô đất sang tay tăng giá sau mỗi lần bán cũng khiến nhiều chủ đất các khu vực lân cận nhìn tình hình mà tăng theo, điều này vô hình chung khiến giá đất quận 9 đội lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.
Thực trạng này cũng diễn ra tại nhiều quận, huyện phía Tây Tp.HCM. Trước thông tin dự án đường vành đai 3, đường ven sông sắp được xây dựng, giới đầu cơ đua nhau đổ về Củ Chi săn đất nhằm trục lợi. Tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, giá đất thời điểm trước và sau Tết bỗng tăng vọt, nhà đầu tư đua nhau đổ về đây mua đất. So với mức giá ban đầu, hiện giá đất đã bị đẩy lên 200%. Nếu tháng 1/2018, giá đất tại khu Tây Bắc dao động từ 14-18 triệu/m2 thì hiện nay đã lên mức 17-20 triệu/m2. Cá biệt, khu vực gần hầm chui An Sương đất tăng mạnh lên 25 triệu/m2.
Trước diễn biến trên, giới đầu cơ, dân môi giới nhanh chóng lợi dụng các thông tin về quy hoạch cũng như các tin đồn để làm giá, khiến giá đất bị đẩy lên mức cao hòng thu lợi bất chính. Cùng với đó, các nhà đầu tư thứ cấp cũng hùa theo tâm lý đám đông, tích cực săn mua đất, đợi giá lên bán lại kiếm lời khiến các khu vực này hình thành nên cơn sốt đất ảo.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Eximrs đánh giá, việc giá nhà đất tăng quá cao trong một thời gian ngắn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng, đặc biệt là những nhà đầu cơ đất đai. Rất có thể thị trường sẽ hình thành một cơn sốt đất ảo nếu chính quyền không kịp thời chấn chỉnh và đưa ra các biện pháp để “ghìm cương” giá nhà đất.
Phương Uyên
(Theo Enternews.vn)