Các dự án nhà ở xã hội đang là đề tài “nóng” nhất của thị trường bất động sản khi loại hình này nhận được sự chú trọng rất lớn từ Chính phủ. Đây là phân khúc có nguồn cầu lớn nhất thị trường nhưng nguồn cung lại vô cùng hạn chế. Điều gì đã khiến nhà ở xã hội hiu hắt nguồn cung?

Dự Án Nhà Ở Xã Hội Phải Đối Diện 4 Điểm Nghẽn

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết dù nhà ở xã hội là phân khúc có lực cầu lớn trên thị trường nhưng nguồn cung lại hạn chế là do những vướng mắc trong thu hút đầu tư, được cụ thể ở 4 vấn đề sau.

Dự Án Nhà Ở Xã Hội - Vì Sao Nguồn Cung Vẫn Hạn Chế?

Nhà ở xã hội đối mặt nhiều thách thức khiến nguồn cung bị hạn chế

Thứ nhất, dự án nhà ở xã hội đang gặp khó về quỹ đất. Ông Hưng cho biết, trong luật Đầu tư quy định chủ đầu tư phát triển các dự án nhà thương mại, khu đô thị phải dành 20% diện tích đất trong dự án để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quy định này cứng nhắc và thiếu thực tế. Bởi lẽ, với những dự án chung cư cao cấp toạ lạc ở các vị trí đất vàng với giá bán lên tới 60-80 triệu đồng/m2 hoặc các phẩm đặc thù như resort, nghỉ dưỡng thì việc bố trí 20% diện tích đất để phát triển một dự án nhà ở xã hội là không phù hợp. Ở những dự án siêu sang, cao cấp việc người thu nhập thấp phải chi trả mức phí dịch vụ, phí vận hành cao cũng là một khó khăn, trở ngại với họ.

Thứ hai, các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó về các thủ tục đầu tư. Hiện trong luật định, trình tự làm nhà ở xã hội giống như nhà ở thương mại, thậm chí còn phức tạp hơn ở một số khâu, một số bước, dẫn đến trình tự thủ tục đầu tư còn kéo dài.

Thứ ba, luật pháp quy định có 10 nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng lại không có quy định làm căn cứ để phân biệt điều kiện được thụ hưởng theo từng trường hợp về đối tượng, nhà ở, nơi cư trú, thu nhập… Chính bởi vậy mà việc xác định các đối tượng được mua nhà ở xã hội vập phải nhiều khó khăn, kéo dài.

Thứ tư, các chính sách hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội cũng là “điểm nghẽn” của phân khúc này. Với các chủ đầu tư tham gia làm nhà ở xã hội, nhà nước sẽ miễn giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền sử dụng đất, các ưu đãi tiếp cận vốn… Thế nhưng các ưu đãi lại không được tính vào giá bán khiến phân khúc này không thu hút được các chủ đầu tư.

Nguồn Vốn Tín Dụng Cho Các Dự Án Nhà Ở Xã Hội Đã Sẵn Sàng

Dù còn đang đối mặt nhiều thách thức, khó khăn nhưng một điểm sáng mà nhà ở xã hội sẽ đón nhận trong thời gian tới là nguồn vốn tín dụng cho phân khúc này đã sẵn sàng. Nhìn nhận về nguồn vốn tín dụng trong triển khai phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng cho biết, trong 5 năm, từ 2016-2021, nguồn vốn tín dụng được triển khai cho nhà ở xã hội là 3.163 tỉ đồng trên khoảng 9.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn này dành cho người vay mua nhà. Thế nhưng với chủ đầu tư thì trước đó chưa có nguồn vốn. Gói 120.000 tỉ đồng mới đây sẽ bố trí nguồn vốn cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Dự Án Nhà Ở Xã Hội - Vì Sao Nguồn Cung Vẫn Hạn Chế?

Nguồn vốn tín dụng cho nhà ở xã hội đã sẵn sàng

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) chia sẻ gói 120.000 tỉ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội đã sẵn sàng giải ngân. Bốn ngân hàng nhà nước là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank đã triển khai gói tín dụng từ đầu tháng 4/2023. Ngân hàng Nhà nước xác định ưu tiên nguồn vốn vay cho nhà ở xã hội theo nghị định 49, nghị định 100 và các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào nhà ở xã hội. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Xây dựng để xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện.

Cũng theo bà Giang, đối với nhóm ngân hàng chỉ định vẫn chưa có kết quả khi nhóm này vẫn chưa bố trí được cho vay chủ đầu tư. Theo Nghị định 100, ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho vay đối với nguồn cho vay phát triển NOXH thông qua các ngân hàng thương mại chỉ định.

 

(Theo Nguyễn Nam – Thanhnienviet)

Nguồn: https://thanhnienviet.vn/2023/06/05/du-an-nha-o-xa-hoi-vi-sao-nguon-cung-van-han-che