Mục lục

Theo quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM mới, dự kiến đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của thành phố đạt từ 80-90%. Nếu thực hiện thành công, điều này không chỉ giúp giảm tải cho thành phố trung tâm, mà còn giúp thay đổi bộ mặt kinh tế của toàn vùng.

Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM đã tổ chức hội nghị công bố đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM cho hay, theo đồ án này, Tp.HCM vẫn giữ vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò hỗ trợ, liên kết với các đô thị khác trong vùng để cùng phát triển. Trên tinh thần đó, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 80-90% vào năm 2030.

“Việc phát triển đô thị hóa vùng Tp.HCM cốt lõi nhằm tiếp tục đưa thành phố trở thành đô thị lớn, có tỷ lệ đô thị hóa cao và chất lượng sống tốt, vùng phát triển kinh tế năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; có vị thế chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á – Thái Bình Dương, có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế…”, ông Nhã nói.

Theo ông Nhã, đến năm 2030, dân số tại Tp.HCM dự kiến đạt 24-25 triệu người, trong đó khoảng 18-19 triệu người là dân số đô thị, khoảng 6-7 triệu người là dân số nông thôn; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động khoảng 18-19 triệu người.

Tốc độ đô thị hoá tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm thay đổi kinh tế vùng
Đô thị hóa vùng Tp.HCM không chỉ giúp giảm tải cho thành phố trung tâm
mà còn làm thay đổi bộ mặt kinh tế toàn vùng

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Tp.HCM cho biết, để thực hiện đô thị hóa vùng hiệu quả, thành phố sẽ tổ chức xây dựng cấu trúc không gian vùng, với việc phân tách thành các tiểu vùng và trục hành lang phát triển kinh tế.

Theo đó, tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm Tp.HCM và vùng phụ cận tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai; tiểu vùng phía Đông bao gồm các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu; tiểu vùng phía Bắc – Tây Bắc bao gồm các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và phía Bắc tỉnh Bình Dương; tiểu vùng phía Tây Nam bao gồm các tỉnh Long An và Tiền Giang.

Được biết, để thực hiện được mục tiêu phân hóa vùng đô thị Tp.HCM mở rộng, UBND thành phố đã giao các sở/ngành, quận/huyện xây dựng kế hoạch triển khai các dự án thành phần tại mỗi đơn vị về việc xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh, đảm bảo đồng bộ với kế hoạch chung của thành phố và báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/7/2018.

Về công tác xây dựng đô thị thông minh, thành phố đang lên kế hoạch quản lý sổ hộ khẩu, thẻ căn cước công dân… bằng hệ thống điện tử, thay vì bằng giấy tờ như trước đây.

Theo đại diện Tp.HCM, sự nâng cấp, hiện đại hóa quy trình quản lý hồ sơ, giấy tờ sẽ được thực hiện ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Đề án quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM dù mới được đưa ra nhưng theo các chuyên gia quy hoạch, việc phát triển các đô thị vệ tinh của Tp.HCM hiện vẫn chưa được hiểu một cách thấu đáo, dẫn đến các chính sách thực hiện chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến việc đầu tư vào các hệ thống kết nối còn rời rạc, gặp nhiều trở ngại. Khi hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa phát triển, sẽ làm giảm sức hút của các đô thị vệ tinh, làm cho sự phát triển của toàn thành phố mang tính đơn cực.

Thực tế, Tp.HCM mang đến những cơ hội làm ăn và sự thuận tiện trong cuộc sống cho người dân, vì vậy đa số người dân không có nhu cầu hoặc không muốn đến sinh sống tại những nơi xa trung tâm thành phố. Hệ quả là các quy hoạch và chiến lược phát triển theo hướng đa cực, đa trung tâm của Tp.HCM chưa thể hiện thực hóa. Từ đó, các quy hoạch giao thông và logistics của thành phố không được thực hiện một cách hiệu quả như mong muốn.

Đại diện UBND Tp.HCM cho biết, thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đó là phải phát triển các đô thị vệ tinh để giảm áp lực cho thành phố. Việc đầu tư phát triển đô thị vệ tinh sẽ tạo ra nội lực đủ mạnh, để trước mắt các đô thị vệ tinh có thể tự tồn tại, phát triển, sau đó là thu hút người dân, doanh nghiệp.

Vị đại diện này cho rằng, một quy mô thị trường đủ lớn sẽ góp phần giữ chân các nhà đầu tư, để họ thực hiện tái đầu tư, tạo ra quy mô sản xuất và kinh doanh lớn hơn, từ đó mang đến nhiều cơ hội việc làm hơn. Cơ hội việc làm và môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ là những yếu tố chính thu hút cư dân đến các đô thị vệ tinh sinh sống, giảm áp lực dân số và hạ tầng giao thông cho thành phố trung tâm.

 

(Theo Đầu tư chứng khoán)