Mục lục

Nói đến môi giới địa ốc, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh vest phẳng lỳ, nước hoa thơm phức, thu nhập trăm triệu… Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cùng với cơ hội làm giàu thì đây cũng là nghề nghiệp có mức độ đào thải khốc liệt nhất.

Càng nhiều cơ hội, thách thức càng lớn

Tại hội thảo “Khởi nghiệp với nghề môi giới bất động sản”, vừa diễn ra tại TP.HCM, chuyên gia bất động sản Trần Minh, cho biết, có đến 80% môi giới địa ốc bỏ việc chỉ sau thời gian 6 tháng đến 1 năm. Số môi giới tồn tại được và thành công với nghề này chỉ khoảng 5%. Đây là những người có thu nhập cao từ vài trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Ông Minh cho biết, đã có những môi giới mới vào nghề, nhờ duyên may, có thể có nhiều giao dịch ngay trong tháng đầu, thu nhập bỗng dưng đột biến. Điều này cũng là cảm hứng khiến nhiều người lao theo vào bất động sản khi thị trường đang nóng. Tuy nhiên, phần lớn những người thất bại trong nghề môi giới vì không xác định mục tiêu bản thân với nghề, thiếu kỹ năng, kiến thức và lười học hỏi…

nghề môi giới hấp dẫn giới trẻ 0933843118

Nghề môi giới vẫn hấp dẫn giới trẻ tìm hiểu và khởi nghiệp

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Lê Thẩm Dương, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Ngân hàng (TP.HCM), công việc nào càng nhiều cơ hội thì thách thức sẽ càng lớn. Đối với nghề môi giới là nghề đòi hỏi nhiều kiến thức về kinh tế, thị trường, kỹ năng giao tiếp… Những người mới vào nghề cần phải xác định tâm thế làm việc hết mình, xem mình có phù hợp với nghề nghiệp này hay không. Còn những người thấy người ta kiếm tiền dễ quá thì lao vào, sau đó nhìn đâu cũng ngại khó, ngại khổ thì chắc chắn sẽ thất bại.

Một con số đáng chú ý khác được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo là có đến hơn 6.000 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới tại TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2017. “Tuy nhiên, rất ít doanh nghiệp dịch vụ môi giới có lãi, phần nhiều là hòa vốn và thua lỗ. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chậm thích nghi khi thị trường đang có những dịch chuyển về phân khúc cũng như thanh khoản không còn nóng như hồi 1 – 2 năm trước” – chuyên gia bất động sản Trần Minh, nhận định.

Môi giới cần lấp đầy “lỗ hổng”

Cũng theo ông Minh, sau thời gian bùng nổ thị trường ở giai đoạn 2014 – 2016, đặc biệt ở phân khúc chung cư cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, đất nền vùng ven, rất nhiều môi giới tham gia vào thị trường. Đây là lúc thị trường tốt, cơ hội kiếm tiền dễ dàng, sales dễ bán được hàng, các sàn tuyển dụng số lượng lớn môi giới. Nhưng tới năm 2017, thị trường đi vào phân hoá ở từng phân khúc, chung cư cao cấp bán chậm, bất động sản nghỉ dưỡng sản phẩm nhiều, cạnh tranh lớn. Thị trường khó khăn hơn, khiến các môi giới gặp khó khăn về định hướng và cách triển khai.

Về cơ hội nghề môi giới với những người mới bắt đầu, ông Vũ Triệu Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mizar Land, cho rằng, khó khăn trước mắt là, thiếu định hướng sản phẩm (chọn sản phẩm, chủ đầu tư, sàn, …), thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm và kiến thức chuyên môn về bất động sản, chi phí marketing quảng cáo, ngày càng lớn… Do vậy, những người mới bước chân vào nghề nên chọn những doanh nghiệp uy tín, môi trường được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, để sớm được lấp đầy những lỗ hổng.

“Bên cạnh đó, điều tối quan trọng là môi giới cũng phải chủ động học tập, tìm hiểu và nâng cấp bản thân liên tục. Sự tích lũy về kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ sẽ là yếu tố giúp người môi giới vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất và tiến vào nhóm 5% những người có thu nhập cao nhất trong nghề” – ông Thái chia sẻ.

 

Theo Quốc Tuấn/Vietnamnet