Dù mới chỉ là đề xuất, chưa được phê duyệt nhưng dự luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính và đề xuất thuê, mượn nhà trên 20m2 mới được đăng ký thường trú tại Tp.HCM của Sở xây dựng TP đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận.

1. Đề xuất đánh Thuế tài sản với nhà trên 700 triệu của Bộ Tài Chính

Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó có đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở với 2 phương án là nhà có giá trên 700 triệu đồng hoặc nhà có giá trên 1 tỷ đồng. Bộ giải thích rõ, chỉ đánh thuế với phần giá trị vượt trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng, phần dưới giá trị này không bị đánh thuế. Bộ cũng đưa ra 2 phương án về mức thuế tài sản là 0,3% hoặc 0,4%.

Ngay khi công bố, đề xuất trên đã gây xôn xao dư luận và giới chuyên môn. Người dân, đặc biệt là đối tượng người thu nhập thấp lo lắng khi dự luật thuế mới nếu được áp dụng sẽ khiến giấc mơ mua nhà của họ càng xa vời hơn. Vì thực tế thị trường cho thấy, tại các đô thị đông dân như Hà Nội, Tp.HCM, rất khó có thể tìm được căn hộ/nhà ở có giá dưới ngưỡng chịu thuế.

Giới chuyên gia thì cho rằng, thuế tài sản không chỉ bất hợp lý mà còn phi thực tế. Một số chuyên gia thì lo ngại, thuế tài sản có thể khiến giao dịch trên thị trường chững lại, giá nhà tăng cao hơn. Hơn nữa, người dân hiện đã phải chịu quá nhiều loại thuế, nếu thêm thuế nhà đất sẽ gây bất bình trong dân.

Ở một góc độ khác, theo một số chuyên gia, thuế tài sản là cần thiết nhưng cần có lộ trình và thời gian thích hợp để có thể góp phần giảm nạn đầu cơ bất động sản như mục tiêu mà Bộ Tài chính đề cập.

thuế tài sản nhà ở

Đề xuất đánh thuế tài sản nhà ở từ trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính
vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận. Ảnh minh họa

2. Thuê, mượn nhà trên 20m2 mới được thường trú tại Tp.HCM

Đầu tháng 2/2018, Sở Xây dựng Tp.HCM gửi tờ trình đề xuất: để được đăng ký thường trú tại Tp.HCM, người dân phải có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP tối thiểu là 20m2 sàn/người. Đề xuất nêu rõ thủ tục này áp dụng trên toàn bộ địa bàn TP, không phân chia theo địa giới hành chính và sẽ điều chỉnh tăng theo sự phát triển kinh tế, xã hội của TP từng thời kì.

Cơ quan đầu tiên phản ứng với đề xuất này chính là Hiệp hội BĐS Tp.HCM khi lo ngại đề xuất sẽ làm khó cho người dân nhập cư và cho rằng thay vì siết quy định nhập cư, TP nên có giải pháp hợp lý hơn.

Là người trong ngành, KTS Võ Kim Cương cũng cho rằng, nên tận dụng nguồn lực rất lớn từ người nhập cư đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ an cư.

3. Không tiếp tục xây chung cư cao tầng tại khu trung tâm

Thủ tướng chính phủ yêu cầu bộ GTVT chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổng kết nhiệm vụ 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP làm cơ sở xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 16/2008 về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Tp.HCM. Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ ngành tại hai TP này cần đưa ra các giải pháp để không xây dựng các chung cư căn hộ nhà cao tầng tại khu trung tâm.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự ủng hộ của dư luận với kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu trung tâm trong bối cảnh các công trình cao tầng đang mọc lên quá nhiều gây “ngột ngạt” cho các đô thị.

giải pháp xây dựng nhà cao tầng khu trung tâm
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Hà Nội, Tp.HCM cần đưa ra giải pháp để không xây
thêm nhà cao tầng tại khu vực trung tâm. Ảnh minh họa

4. Doanh nghiệp nhà nước không được dùng vốn đầu tư địa ốc

Từ ngày 1/5/2018, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước không được dùng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản). Các doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán.

Nghị định trên được ban hành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước do thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm thị trường đã để vốn thất thoát hoặc bị “ngâm” trong bất động sản, dẫn đến kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải thể…

5. Phạt nặng doanh nghiệp BĐS làm ăn không nghiêm túc

Từ ngày 15/1/2018, các doanh nghiệp BĐS làm ăn không nghiêm túc sẽ bị xử phạt theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ.

– Nhân viên môi giới có hành vi sửa chữa, tẩy xóa, cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề… sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng và thu hồi chứng chỉ ngành nghề.

– Sàn giao dịch BĐS đưa các sản phẩm BĐS không đủ điều kiện kinh doanh vào giao dịch bị phạt 40-50 triệu đồng và đình chỉ kinh doanh 6-12 tháng.

– Không thành lập sàn giao dịch, hợp tác xã theo quy định; kinh doanh khi không đủ vốn pháp định; không công khai hoặc công khai không đúng thông tin về các dự án BĐS, nhà ở… bị phạt từ 50-60 triệu đồng.

Đối với chủ đầu tư dự án, nếu bán hoặc cho thuê dự án chưa có bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của ngân hàng thương mại đủ năng lực bị phạt từ 60-80 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu chủ đầu tư bàn giao nhà, công trình khi chưa nghiệm thu, chưa hoàn thiện, chưa đảm bảo kết nối hạ tầng hoặc chiếm dụng vốn trái phép, dùng vốn huy động không đúng mục đích… mức xử phạt sẽ từ 250-300 triệu đồng.

doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc
Từ ngày 15/1/2018, các doanh nghiệp BĐS làm ăn không
nghiêm túc sẽ bị phạt nặng. Ảnh minh họa

6. Đập bỏ nhà xây sai phép, không phép

Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; kinh doanh bất động sản (BĐS), phát triển nhà ở; kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng… chính thức có hiệu lực từ ngày 15/1.

Theo đó, trong vòng 60 ngày, chủ đầu tư phải hoàn thành điều chỉnh hoặc xin cấp phép xây dựng đối với công trình xây dựng sai phép nếu không sẽ bị tháo dỡ phần sai phạm.

Đại diện cơ quan quản lý cho biết sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm quy định, chắc chắn sẽ tháo dỡ toàn bộ các công trình xây dựng không phép, sai phép, chấm dứt việc phạt rồi cho tồn tại như trước đây.

Theo nghị định cũ, các công trình xây dựng sai phép, không phép có thể nộp phạt để tồn tại, nhưng với nghị định 139, những công trình này sẽ bị đập bỏ, thể hiện sự quyết tâm của Tp.HCM trong việc xử lý vi phạm nhà không phép, sai phép.

Dù một số đề xuất còn đang trong giai đoạn xem xét và vấp phải phản ứng của dư luận nhưng nhìn chung trong 4 tháng đầu năm đã có nhiều chính sách được đưa ra thể hiện sự “ra tay” của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát thị trường, góp phần tạo sự minh bạch, phát triển bền vững cho thị trường bất động sản.

 

(Tổng hợp)

(Theo Enternews)