Doanh nghiệp bất động sản đang tự điều chỉnh chiến lược đầu tư theo nhu cầu của khách hàng.

Bài học từ những vùng đất chết

Có những khu đô thị lớn thành công nhưng cũng có không ít dự án chỉ là những “vùng đất chết”, không có dân cư sinh sống, nhà cửa xây xong bỏ hoang.

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc điều hành công ty tư vấn enCity đến từ Singapore, tình trạng này không chỉ diễn gia ở Việt Nam mà ở nhiều thành phố lớn trên thế giới cũng không thiếu những dự án được đầu tư với nguồn vốn lớn với mục tiêu trở thành những trung tâm tài chính, thương mại nhưng đều thất bại hoặc chỉ có thể trở thành khu nhà ở đơn thuần của người dân.

Bất động sản Ninh Thuận

Bất động sản dịch chuyển theo xu hướng bền vững.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Dũng cho rằng, việc phát triển đô thị đặt ra rất nhiều thách thức cho cả nhà nước và doanh nghiệp. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, bài bản, việc phát triển khu đô thị mới rất khó thành công. Một nguyên nhân nữa dẫn đến các dự án khu đô thị thất bại là do thiếu dòng tiền, vì mỗi dự án được triển khai trong thời gian dài nhưng chủ đầu tư lại không phân kỳ đầu tư hợp lý hoặc không đủ nguồn lực để triển khai. Chính những dự án triển khai dở dang đã làm “hoen ố” hình ảnh cũng như tính bền vững của thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực hơn, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc công ty tư vấn JLL cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam đã và đang điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng bền vững hơn. Chẳng hạn, ở phân khúc căn hộ, đã có sự dịch chuyển lớn từ những dự án căn hộ cao cấp với giá bán cao sang những dự án trung bình với mức giá vừa phải, từ đó nâng cao tính thanh khoản của thị trường.

Ông Young Yoon Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric.
Ông Young Yoon Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric.

Ông Stephen Wyatt lưu ý, nếu như khoảng 10 năm trước đây, các dự án nhà cao tầng xây dựng căn hộ 2 phòng khoảng 120m2 nhưng hiện không còn căn hộ nào 2 phòng trên 100m2. Nhu cầu về kích thước căn hộ của bên mua và bên phát triển đã thay đổi. “Do đó, chúng ta sẽ thấy các căn hộ sẽ ngày càng nhỏ hơn và đặc biệt ở trung tâm thành phố”, nhà tư vấn này nhận xét.

Bên cạnh đó là xu hướng phát triển các khu đô thị mới tích hợp. Mô hình này đã phát triển trong khoảng chục năm trở lại đây, như Phú Mỹ Hưng đã xây dựng cách đây khoảng 20 năm, đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng, cảnh quan, đô thị và đã mang lại lợi tức dài hạn. “Đầu tư bài bản vào cảnh quan, quy hoạch tổng thể, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì các nhà phát triển bất động sản mới hưởng quả ngọt”, ông Stephen Wyatt nhận xét.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL.

Trong khi đó, ông Dũng cho rằng, cốt lõi của một dự án bất động sản không phải là xây dựng mà là cung cấp dịch vụ, phục vụ người dân ra sao, đó mới là yếu tố quan trọng nhất giúp ra tăng giá trị bất động sản. Xây dựng cộng đồng, doanh nghiệp, cộng đồng cư dân mới quan trọng chứ không phải xây dựng công trình.

Gia tăng giá trị bất động sản

Có cùng cách nhìn nhận như ông Dũng, ông Nguyễn Đức Quang, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng trong chu kỳ. Nhiều dự án mới được triển khai cho thấy thị trường đang có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi. Mặt khác, đây cũng là áp lực khiến các chủ đầu tư phải liên tục tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.

Xác định rõ điều này, ngay từ những ngày đầu tiên gia nhập thị trường, Vinhomes đã chủ động xây dựng một chuỗi giá trị gia tăng xoay quanh các sản phẩm bất động sản nhằm mang lại chất lượng sống tối ưu. Đồng thời, Vinhomes đã kế thừa được những giá trị của hệ sinh thái đa ngành thuộc tập đoàn mẹ Vingroup và biến thành hệ sinh thái này thành lợi thế khó sao chép của các bất động sản Vinhomes.

Đó là hệ thống tiện ích hoàn hảo, khép kín và đồng bộ, từ trường học, cơ sở y tế tới các sân thể thao, khu vui chơi, trung tâm thương mại, cửa hàng, ẩm thực… xoay quanh trục bất động sản. Hệ sinh thái không chỉ mang lại không gian sống chất lượng mà còn kiến tạo một mặt bằng tiêu chuẩn mới tại các khu đô thị.

Theo ông Quang, việc hệ sinh thái Vingroup liên tục phát triển, bổ sung các sản phẩm/dịch vụ mới đã góp phần làm gia tăng giá trị của các sản phẩm bất động sản của Vingroup lên theo. Đó là lý do các sản phẩm Vinhomes luôn có tỉ lệ tiêu thụ tốt ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường.

Bên cạnh đó, với chủ trương “không chỉ bán nhà mà bán một không gian sống”, Vinhomes cũng chủ động tạo ra chuỗi “giá trị mềm” như dịch vụ quản lý, an ninh an toàn, hoạt động cộng đồng, làm gia tăng giá trị cho các sản phẩm bất động sản theo thời gian.

Đặc biệt, Vinhomes đang giới thiệu ra thị trường dòng sản phẩm mới VinCity theo mô hình đô thị “Tất cả trong một” với những điểm ưu việt hoàn toàn mới như kiến tạo lối sống, quy hoạch tiềm năng, chuẩn hoá thiết kế mặt bằng toà nhà và mặt bằng căn hộ, và giải pháp tài chính đột phá về nhà ở.

Trong khi đó, ông Yoon Young Kim, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam cho rằng, công nghệ đang trở thành yếu tố góp phần gia tăng giá trị cho bất động sản. Ở Việt Nam 10 năm trước chỉ tập trung các biệt thự sử dụng các thiết bị dùng dây cáp kết nối, màn hình cảm biến cố định và điều khiển từ xa cầm tay. Nhưng đến nay, các biệt thự và căn hộ cao cấp đã dùng công nghệ mới như Zigbee Wireless, máy tính bảng, điện thoại thông minh, điều khiển giọng nói.

Ông Kim dự báo, chỉ vài năm nữa sẽ có thêm hàng nghìn căn hộ thông minh tại TP.HCM của các thương hiệu bất động sản lớn như Vinhomes hoặc Sơn Kim Land và Novaland. “Các nhà đầu tư và phát triển các dự án bất động sản cần biết đến yêu cầu của các căn hộ thông minh này. Các nền tảng được sử dụng tại các toà nhà sẽ là một nền tảng mở thay vì đóng như trước đây”, ông Kim khẳng định.

Bên cạnh tập trung phát triển từng căn hộ thông minh, ông Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của một cộng đồng thông minh với việc số hóa trong quản lý tòa nhà với ứng dụng trên điện thoại thông minh tùy chỉnh cho từng dự án.

Theo ông Kim, những yếu tố cần được quản lý một cách thông minh trong một cộng đồng thông minh bao gồm: thông tin dân cư; thông tin hóa đơn điện, nước, dịch vụ hàng tháng; phản hồi của dân cư về cơ sở vật chất, tiện ích, dịch vụ; đặt lịch sử dụng cơ sở vật chất của tòa nhà; yêu cầu bảo trì các thiết bị trong căn hộ; tích hợp hệ thống quản lý đậu xe thông minh và hệ thống báo cháy thông qua điện thoại.

 

(Theo N.L / Báo đầu tư bất động sản)