Hiệp hội bất động sản (BĐS) Tp.HCM (HoREA) chỉ ra 8 yếu tố cần được thay đổi để giúp các doanh nghiệp địa ốc thích nghi dần với lộ trình giảm dần tín dụng vào BĐS của Ngân hàng Nhà nước.

Để kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như BĐS, chứng khoán, kể từ ngày 01/01/2019, các tổ chức tín dụng chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.

Sau khi đã thảo luận với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội thống nhất về sự cần thiết thực hiện lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Lộ trình này sẽ giúp giảm dần sự phụ thuộc của thị trường BĐS vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo áp lực có tính tích cực, lành mạnh, buộc các doanh nghiệp BĐS phải tìm kiếm các nguồn vốn bổ sung khác (quỹ đầu tư, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn vốn huy động từ khách hàng…).

Để thích ứng với với lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS, HoREA có 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm:

Thứ nhất: Các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn thay thế. Để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, doanh nghiệp cần chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế.

Nhà đất Ninh Thuận
Để thích nghi với lộ trình siết tín dụng BĐS của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp địa ốc
cần tìm kiếm nguồn vốn thay thế, tăng nội lực và giữ chữ tín với khách hàng… Ảnh minh họa

Thứ hai: Luôn phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà), doanh nghiệp cần giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, xây dựng căn hộ, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng… Doanh nghiệp cần phấn đấu để trở thành nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp, có năng lực trong phân khúc thị trường và sản phẩm mà mình đã chọn.

Thứ ba: Khuyến nghị các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 01 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững. Tham gia các chương trình xây dựng, chỉnh trang hạ tầng của thành phố; chương trình nhà ở xã hội, nhà công nhân và đề án xây dựng đô thị thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.

Thứ tư: Cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp; coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn BĐS mạnh.

Thứ năm: Nên xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Thứ sáu: Tăng lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Thứ bảy: Quan tâm 03 tiêu chí an toàn quan trọng hàng đầu về xây dựng và quản trị doanh nghiệp gồm: An toàn về pháp lý với tinh thần thượng tôn pháp luật; An toàn về tài chính và tín dụng doanh nghiệp; An toàn về mô hình tổ chức và nhân sự, trước hết là các nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tám: Là thay đổi từ phía cơ quan quản lý, cụ thể cần sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ để tạo điều kiện hình thành và phát triển các Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ tín thác bất động sản (REIT) để tạo nguồn vốn đầu tư cung ứng cho thị trường BĐS nhằm thay thế sự sụt giảm nguồn cung vốn tín dụng ngân hàng.

 

(Theo Phương Uyên / Enternews.vn)