Thời hạn sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam được quy định như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài.
Đối với tổ chức nước ngoài
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định, tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho tổ chức đó.
Ảnh minh họa.
Khi hết hạn sở hữu ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thời hạn sở hữu thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm; trường hợp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp không ghi thời hạn thì trong giấy chứng nhận (sổ hồng) cấp cho chủ sở hữu cũng được ghi không thời hạn.
Trường hợp tổ chức nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì nhà ở này được xử lý theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP;
Trường hợp trong thời hạn sở hữu mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
Đối với cá nhân nước ngoài
Căn cứ Khoản 3 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cá nhân nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam được sở hữu tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận.
Khi hết thời hạn sở hữu ghi trong giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu nhà ở đó có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn.
( Theo Hạ Nhiên / Baoxaydung )
Link gốc: https://baoxaydung.com.vn/thoi-han-so-huu-nha-o-tai-viet-nam-cua-nguoi-nuoc-ngoai-315221.html