Thành phố Nha Trang là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa.

Sở hữu nhiều lợi thế về địa lý, khí hậu, giao thông và văn hóa nên Nha Trang có điều kiện để phát triển mạnh về du lịch, thu hút các doanh nghiệp đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng.

Nha Trang có diện tích tự nhiên là 251km2. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, vùng đất Nha Trang từng thuộc về Chiêm Thành. Đến nay, các di tích của người Chăm vẫn còn tồn tại nhiều nơi ở thành phố và trở thành điểm thu hút khách du lịch. Nha Trang còn được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông, viên ngọc xanh bởi giá trị thiên nhiên, vẻ đẹp và khí hậu hài hòa. Ngày 22/4/2009, Thủ tướng chính phủ chính thức công nhận Nha Trang là đô thị loại I.

Vị trí địa lý Nha Trang

Thành phố Nha Trang nằm ở phía Đông tỉnh Khánh Hòa, có vị trí địa lý:

  • Phía Đông giáp biển
  • Phía Tây giáp huyện Diên Khánh
  • Phía Bắc giáp huyện Ninh Hòa,
  • Phía Nam giáp thành phố Cam Ranh

Nha Trang cách thủ đô Hà Nội 1.290km về phía Bắc, cách trung tâm thành phố Cam Ranh 45km và cách TP.HCM 441km về phía Nam.

Bản đồ hành chính Nha Trang

bản đồ hành chính nha trang

Hành chính

Thành phố có 27 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 19 phường Xương Huân, Vĩnh Trường, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Vạn Thắng, Vạn Thạnh, Tân Lập, Phương Sơn, Phương Sài, Phước Tiến, Phước Tân, Phước Long, Phước Hòa, Phước Hải, Ngọc Hiệp, Lộc Thọ và 8 xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Lương, Vĩnh Hiệp, Phước Đồng.

Địa hình Nha Trang

Nha Trang có sự phân hóa địa hình phúc tạp, trải dài từ 0 đến 900m so với mặt nước biển và chia thành 3 vùng địa hình:

Vùng đồng bằng duyên hải và ven sông Cái chiếm 32,33% diện tích thành phố, tương ứng với 81,3km2.

Vùng chuyển tiếp và các đồi thấp có độ dốc 3° đến 15°, phân bổ chủ yếu ở phía Tây, Đông Nam và các đảo nhỏ, chiếm 35,25% diện tích thành phố.

Vùng núi có địa hình dốc trên 15°, tập trung chủ yếu ở hai đầu Bắc – Nam của thành phố, chiếm khoảng 31,43% diện tích thành phố.

Thủy văn

Thành phố Nha Trang sở hữu mạng lưới sông suối khá dày đặc, chủ yếu tập trung ở 2 hệ thống sông chính là sông Quán Trường và sông Cái.

Sông Quán Trường còn có tên gọi khác là Quán Tường, là một hệ thống sông nhỏ có chiều dài khoảng 15km, chảy qua một loạt địa phận các xã, phường và đổ ra Cửa Bé. Sông có hai nhánh là nhánh chính phía Đông dài 9km và nhánh phía Tây (sông Tắc) dài 6km.

Sông Cái Nha Trang
Sông Cái Nha Trang là sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa.

Sông Cái còn có tên gọi khác là sông Cù, sông Phú Lộc, có chiều dài 75km, khởi nguồn từ đỉnh Chư Tgo cao 1.475m, chảy qua huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, thành phố Nha Trang và đổ ra biển tại Cửa Lớn. Sông Cái là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ cũng như sinh hoạt dân cư của thành phố và cả các huyện lân cận.

Khí hậu thành phố Nha Trang

Nha Trang có khí hậu nhiệt đới xavan, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình năm ở mức 26,3 độ C. Mùa đông ở đây ít lạnh, trong khi mùa khô kéo dài. Khu vực này cũng ít bị ảnh hưởng của bão. Nhìn chung, so với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ thì Nha Trang có điều kiện khí hậu khá thuận lợi để khai thác du lịch gần như quanh năm.

Phát triển đô thị

Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, thành phố Nha Trang có 422.601 người, trong đó 67,62% là dân thành thị và 32,38% là dân nông thôn. Tuy nhiên, theo cách tính quy mô dân số trong phân loại đô thị thì Nha Trang hiện có khoảng 500.000 – 535.000 người, bao gồm cả học sinh, sinh viên và lao động tạm trú. Dân cư tập trung chủ yếu ở các phường nội thành như phường Vạn Thắng, Tân Lập, Phước Tiến, Phước Tân, Phương Sài, Vạn Thạnh.

Trên địa bàn thành phố Nha Trang đã và đang hình thành các khu đô thị mới như khu đô thị Phước Long, khu đô thị Lê Hồng Phong I, khu đô thị Lê Hồng Phong II, khu đô thị ven sông Tắc, khu đô thị Royal Garden, khu đô thị VCN Phước Hải,

Khoa học và giáo dục

Hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo ở Nha Trang rất được chú trọng với sự hình thành của nhiều viện nghiên cứu, nhiều trường cao đẳng, đại học.

Danh sách trường đại học cao đăng ở khácnh hoà

Danh sách các trường Đại học, Cao đẳng và Cơ sở nghiên cứu khoa học tại Khánh Hòa

Về giáo dục phổ thông, Nha Trang có 116 trường, trong đó có 41 trường tiểu học, 24 trường Trung học cơ sở và 13 trường Trung học phổ thông.

Danh sách các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Nha Trang

Danh sách trường phổ thông tại nha trang

Giao thông ở Nha Trang

Nha Trang nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

  • Đường bộ

Tính đến năm 2012, thành phố Nha Trang có 898 tuyến đường, trong đó có đường tỉnh 7 tuyến với tổng chiều dài 41,377km, 280 tuyến đường do thành phố quản lý với tổng chiều dài 115,64km, 11 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 29,47km, 619 tuyến đường hẻm nội thành với tổng chiều dài 174km.

Nha Trang cũng có quốc lộ 1A chạy qua địa bàn, kết nối thành phố với các địa phương khác và quốc lộ 1C kết nối trung tâm thành phố với quốc lộ 1A. Bên cạnh đó còn có đại lộ Nguyễn Tất Thành kết nối thành phố với sân bay Cam Ranh và đường Võ Nguyên Giáp kết nối với quốc lộ 27C đến thành phố Đà Lạt.

Mạng lưới đường trong trung tâm thành phố Nha Trang có hình nan quạt, gồm các tuyến đường vành đai bao quanh trung tâm và các tuyến đường hướng tâm. Trong đó, các đường vành đai chính là đường 2/4, đường Lê Hồng Phong; trục Thái Nguyên – Lê Thánh Tôn là trục xuyên tâm, trục Trần Phú – Phạm Văn Đồng chạy dọc ven biển. Trong các phường trung tâm, đường có dạng ô bàn cờ. Hạ tầng giao thông ở Nha Trang hiện ngày càng quá tải bởi lượng khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng. Thành phố đã triển khai nhiều công trình góp phần giảm ùn tắc như đường Võ Nguyên Giáp, đường Châu Phong, mở rộng đường Pasteur… Một số dự án khác đang được thi công như nút giao thông Ngọc Hồi, nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang, đường Vành đai 2, đường số 4, cầu vượt kết nối quốc lộ 1A và 1C…

Thành phố có 2 bến xe liên tỉnh là bến xe phía Bắc và phía Nam. Ngoài ra còn có 8 tuyến xe buýt nội thành và 3 tuyến xe buýt liên huyện.

  • Đường hàng không

Hiện, các chuyến bay đến Nha Trang và từ Nha Trang đi các tỉnh, thành khác được chuyển đến sân bay quốc tế Cam Ranh. Sân bay Cam Ranh nằm ở đường Nguyễn Tất Thành, bán đảo Cam Ranh, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 35km về phía Nam.

  • Đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua thành phố có tổng chiều dài 25km giúp kết nối thành phố với các tỉnh còn lại.

  • Đường thủy

Nha Trang có nhiều bến cảng phục vụ nhu cầu đi lại bằng đường thủy, trong đó cảng Nha Trang là cảng biển tương đối lớn. Ngoài ra còn có các cảng nhỏ khác như cảng Hải Quân, cảng cá Hòn Rớ, cảng Cầu Đá, Cảng Phú Quý, cảng Hòn Tre…

Kinh tế

Nha Trang có nền kinh tế tương đối phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Trong đó, thương mại – dịch vụ – du lịch là ngành kinh tế có vai trò tạo động lực phát triển đô thị, tạo vị thế quan trọng cho thành phố. Nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí đa dạng, phong phú, Nha Trang trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Thành phố phát triển nhanh loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Các khu thương mại chuyên biệt trên các tuyến phố được đầu tư xây dựng bài bản và đồng bộ. Xuất khẩu và công nghiệp cũng là ngành kinh tế rất quan trọng của Nha Trang. Trong đó, chế biến và xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của thành phố.

Sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở 6 xã phía Tây và không phải là thế mạnh của thành phố. Ngược lại, khai thác thủy sản có xu hướng phát triển nhằm phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Văn hóa – du lịch

Những bãi biển dài, quang cảnh đẹp, khí hậu dễ chịu đã biến Nha Trang thành một thành phố du lịch nổi tiếng. Nơi đây đã được chọn làm địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ như Festival Biển, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt 2007, Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Trái Đất 2010…

Vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Nha Trang cũng nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh như vịnh Nha Trang, nhà thờ Núi, chợ Đầm, chùa Long Sơn, Viện Hải dương học, Diamond Bay, biệt thự Cầu Đá, tháp Bà… thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Đặc sản nổi tiếng của Nha Trang là yến sào. Hiện tất cả các đảo có chim yến về làm tổ đều thuộc địa phận Nha Trang.

Tình hình thị trường bất động sản Nha Trang

Có thể nói, lợi thế về du lịch tạo động lực to lớn cho bất động sản nghỉ dưỡng tại thành phố biển phát triển. Nha Trang trước nay vẫn được xem là “thủ phủ” của bất động sản nghỉ dưỡng với nguồn cung khách sạn, căn hộ condotel khá lớn, nhất là trên trục đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Vài năm trở lại đây, loại hình này càng phát triển do lượng khách du lịch đến Nha Trang tăng cao và có nguy cơ dư thừa cung. Đáng chú ý, khu vực phía Tây và một phần Bắc thành phố đang được đầu tư mở rộng nên nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ mọc lên ở các khu vực này.

đường Trần Phú Nha Trang

Tuyến đường Trần Phú dài 12km là nơi tập trung nhiều cao ốc, khách sạn.

Về loại hình bất động sản liền thổ, giá nhà đất các tuyến phố trung tâm thành phố đều đã thiết lập mức khá cao, có nơi lên mức 300 triệu đồng/m2, nhà trong hẻm, ngõ có giá khoảng 70-100 triệu đồng/m2.

Trong năm 2020, do tình hình chung về dịch bệnh Covid-19, bất động sản Nha Trang gần như ngủ đông, tuy nhiên giá giao dịch đất mặt phố, đất dự án vẫn đi ngang hoặc tăng nhẹ, nếu giảm cũng chỉ giảm nhẹ chứ không giảm sâu như nhiều nơi. Điểm sáng của thị trường là thành phố đã triển khai quy hoạch, sử dụng đất hết sức rõ ràng, hợp lý, có kế hoạch… Nhiều dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm được đầu tư tạo lợi thế cho các dự án bất động sản.

 

Theo Thanhnienviet

Link gốc: https://batdongsan.com.vn/loi-khuyen-cho-nguoi-mua/thanh-pho-nha-trang-va-nhung-thong-tin-tong-quan-ar106735