Mục lục

Trong bản cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10 năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này khẳng định, trong tương lai kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn.

Các dẫn chứng của WB cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương trong khi cả thế giới đang phải gánh chịu tăng trưởng tồi tệ chưa từng có. Theo đó, lạm phát được giữ vững dưới 4%, thặng dư thương mại lớn gần 17 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn cao…

Quy mô Kinh tế Việt nam

Việt Nam được kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn sau hai lần chống dịch Covid-19 thành công

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam được duy trì và củng cố từ quý 2 sang quý 3, khi chỉ số sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ đều tăng gấp đôi. Dù tỷ lệ lao động có việc làm giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng song điều kiện của thị trường lao động đang trở lại bình thường cũng là tín hiệu vui cho kinh tế Việt Nam.

Lạm phát trong tháng 9 là 3,2%, giảm so với tháng 7 và tháng 8, tín dụng ở mức 10,2%, áp lực khiến ngành ngân hàng giảm lợi nhuận năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 9 đạt 1,65 tỷ USD, tăng so với số vốn 720 triệu USD của tháng 8/2020, thương mại hàng hóa thặng dư 16,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm…

Theo WB, đây là những tín hiệu cho thấy trong tương lai, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam được củng cố và trở nên mạnh mẽ hơn, tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5-3,0% vào năm 2020 (WB dự báo là 2,8%).

Trước đó, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á năm 2021, lọt vào nhóm nước tăng trưởng dương và đạt quy mô GDP hơn 340 tỷ USD trong năm 2020, xếp thứ 4 tại Đông Nam Á…

Quy mô nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận là sẽ vượt qua Singapore và Malaysia, tuy nhiên, nếu xét GDP bình quân đầu người thì Việt Nam hiện nay còn kém xa so với các nước trong khu vực vì dân số đông, giá trị gia tăng trong lao động thấp, thu nhập bình quân trên đầu người người thấp…

Theo An Linh/Dantri.com.vn