Dịch Covid-19 khiến người dân phải hạn chế tiếp xúc, đặc biệt đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh với biến chủng mới lây lan nhanh gây khó khăn hơn cho người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản đã chuẩn bị kịch bản bán hàng mùa dịch ra sao và môi giới cần làm gì để duy trì doanh số khi không thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng?

Câu hỏi trên được bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Thương hiệu Công ty BĐS Tuấn 123 trả lời trong phiên tọa đàm trực tuyến báo cáo Nghiên cứu thị trường quý 2/2021 của Batdongsan.com.vn.

môi giới cần làm gì trong thời gian giản cách xã hội

Dịch Covid-19 hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp của môi giới bất động sản với khách hàng. Ảnh minh họa

Bà Phương phân tích, các doanh nghiệp lâu năm như Tuấn 123 đã từng trải qua một vòng thị trường suy thoái những năm 2010-2012 nên đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kịch bản có thể xảy ra. Giai đoạn thị trường hiện nay có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn suy thoái cách đây khoảng 10 năm, đòi hỏi doanh nghiệp cần có hướng tiếp cận khách hàng mới.

Thực tế, với bất động sản thổ cư, phân khúc phát triển mạnh nhất trên thị trường, hàng năm vẫn đón lượng tiền rất lớn từ kiều bào đổ về Việt Nam đầu tư. Do đó việc tiếp cận khách hàng trực tuyến không còn là điều quá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp. Trước khi đại dịch xảy ra, rất nhiều người Việt Nam cũng mua nhà ở các nước khác trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc… do đó bài toán kinh doanh bất động sản thời dịch không quá khó. Với những người làm môi giới bất động sản lâu năm, nhất là những người từng làm môi giới bất động sản quốc tế sẽ có kinh nghiệm làm việc online với khách hàng.

Theo bà Phương, khi không thể gặp gỡ khách hàng trực tiếp, môi giới bất động sản cần tạo sự thu hút cho sản phẩm, gian hàng trực tuyến của mình, những thông tin đăng trên website cần nổi bật, thể hiện ưu điểm vượt trội của sản phẩm mình rao bán… Việc số lượng khách hàng sụt giảm trong giai đoạn dịch chỉ là một phần câu chuyện của thị trường. Bởi trong thời gian này, những khách hàng liên hệ với đơn vị bán sản phẩm đều là những người có nhu cầu thực sự, sẵn sàng xuống tiền mua sản phẩm. Nếu trước đây, những người cần tư vấn thường sẽ không đưa ra quyết định ngay, họ sẽ hỏi nhiều môi giới để tham khảo thông tin thì thời điểm này, đa số khách hàng sẽ tự tìm đến môi giới vì họ đã có sự chuẩn bị, chọn lọc thông tin kỹ lưỡng nên sẽ dễ dàng đưa ra quyết định.

Từ những phân tích trên, bà Phương cũng đưa ra lời khuyên cho các môi giới để có thể duy trì doanh số trong mùa dịch:

Thứ nhất, việc môi giới cần làm là khiến cho sản phẩm của mình thật nổi bật, hay còn gọi là phương pháp “marketing phát sáng”, không tìm kiếm khách hàng thụ động mà khách hàng sẽ tự tìm đến.

Thứ hai, với các môi giới tự do, giai đoạn này họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nên nhóm môi giới này cần chuyển hướng tìm kiếm và hợp tác với những đơn vị môi giới lâu năm, uy tín trong ngành, những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm sẽ hỗ trợ cho họ tốt hơn với nguồn khách hàng có sẵn và nhiều chiến dịch marketing cho sản phẩm.

Thứ ba, môi giới cần áp dụng công nghệ thông tin khi không thể dẫn khách hàng xem trực tiếp. Khách hàng sẽ dành thời gian gặp môi giới có kinh nghiệm, yêu cầu quay ngôi nhà trước khi đi xem thực tế nên môi giới cần trang bị kỹ năng chụp ảnh, quay video… Sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ để hạn chế việc phải đi khảo sát thực tế với các kho dữ liệu có sẵn…

Thứ tư, duy trì tốc độ giao dịch bằng cách tận dụng đòn bẩy lợi thế của các doanh nghiệp, ví dụ thời gian giãn cách, việc định giá nhà ở sẽ khó khăn hơn, doanh nghiệp có thể kết hợp làm đối tác của ngân hàng, khách hàng không cần gặp mặt ba bên (ngân hàng, môi giới, chính quyền) mà chỉ cần gặp duy nhất đơn vị môi giới, ngân hàng định giá và môi giới hỗ trợ khách làm các thủ tục còn lại, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về quy hoạch, tín dụng… Hướng đi này đảm bảo giãn cách trong thời điểm chống dịch.

 

( Theo Ngọc Sương (TH) / Thanhnienviet.vn )

 

Link bài viết: https://batdongsan.com.vn/tin-thi-truong/khong-the-gap-khach-vi-dich-moi-gioi-bds-nen-lam-gi-ar107235