Những năm qua Việt Nam liên tục bội chi ngân sách, tính tới 31/12/2016, bội chi năm 2016 của Việt Nam là 192,2 nghìn tỷ đồng. Với tính chất bội chi kéo dài, cùng với áp lực nợ vay bên ngoài cao, Chính phủ đang tìm mọi cách tăng thu ngân sách bù đắp dòng tiền. Việc đẩy mạnh các loại thuế, dịch vụ cũng như bán bớt tài sản của Nhà nước (Cổ phần hóa doanh nghiệp) để có thể thu tiền giảm áp lực bội chi. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn sắp tới…
Ảnh minh họa.
Đặc điểm của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là Nhà nước sẽ thoái vốn một phần hoặc toàn bộ ra công chúng. Dòng tiền thu được sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước tương ứng với tỷ lệ Nhà nước thoái vốn. Việc cổ phần hóa này có nhiều mục đích, có thể làm cho doanh nghiệp làm ăn minh bạch hơn; thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như sử dụng tài sản hiệu quả hơn khi gắng lợi ích tư nhân vào quản lý và vận hành doanh nghiệp, Nhà nước thu được vốn để phục vụ các hoạt động đầu tư phát triển khác…
Tại sao lại là cơ hội cho tư nhân khi tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Đặc điểm của nhiều doanh nghiệp Nhà nước làm ăn chưa hiệu quả, chỉ mang tính chất vừa đủ kế hoạch, không tăng trưởng hoạt động kinh doanh, cũng như nếu tăng trưởng mạnh sẽ gây áp lực lên năm tài chính kế cận. Do đó, thông thường doanh nghiệp Nhà nước chỉ hoạt động mang ổn định, không tăng trưởng. Chưa khai thác hết lợi thế của doanh nghiệp, cũng như tài sản của doanh nghiệp, thiếu minh bạch. Khi cổ phần hóa, cổ đông chiến lược tiến vào giám sát, cũng như tư vấn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thì sự minh bạch, cũng như lãnh đạo của doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ không dám làm sai. Điều này vô hình chung sẽ giúp doanh nghiệp tăng biên lợi nhuận, tăng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản đầu tư. Các chi phí trước đây phải chi sẽ được tối giảm giúp cải thiện tình hình tài chính. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và cách quản lý hiện đại hơn, cổ đông chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp khai thác và vận hành hiệu quả hơn.
Khi định giá IPO, thông thường có nhiều giá trị của doanh nghiệp vẫn chưa được ghi nhận hết. Đơn cử, theo nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Cty CP, đất thuê không tính vào giá trị doanh nghiệp và lợi thế địa lý cũng không tính vào giá trị doanh nghiệp. Với quy định trên toàn bộ các thửa đất mà doanh nghiệp đang đi thuê gắn liền với tài sản trên đất đều không tính giá trị thửa đất vào giá trị doanh nghiệp, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp có những thửa đất được gọi là đất vàng ở các khu trung tâm có lợi thế về kinh doanh thương mại đều không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Trên thực tế, các thửa đất mà doanh nghiệp thuê Nhà nước đều gắn với tài sản trên đất, cả khối tài sản này được gọi là bất động sản, tạo lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và giá trị của khối bất động sản tính toán được theo phương pháp thu nhập. Nếu như doanh nghiệp biết tận dụng khai thác tốt khối tài sản cũng như mặt bằng này, sẽ mang lại một lợi ích không hề nhỏ cho doanh nghiệp, cũng như tình hình tài chính.
Hầu hết các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 – 2018, có thể đạt mức 3,5 – 3,6% nhờ những tín hiệu khởi sắc của các nền kinh tế chủ chốt, trong 9 tháng đầu năm 2017. Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đạt mức tăng trưởng 3% trong quý II/2017, cao nhất trong 2 năm qua, và dự báo sẽ tăng trưởng 3,4% trong quý tiếp theo. Tại Nhật Bản, mức tăng trưởng 0,6% đạt được trong quý II nhờ xuất khẩu gia tăng. Đây là chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài nhất trong hơn một thập kỷ qua ở nước này. Kinh tế khu vực đồng Euro phục hồi tích cực do nới lỏng tiền tệ và nỗ lực tái cơ cấu, xử lý khủng hoảng nợ công. Nhờ đó, chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo tăng lên 55,8 điểm, trong khi tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2009.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 chuyển biến tích cực, thể hiện ở mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nếu quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, thì quý III có sự đột phá, tăng 7,46%.
Tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi tạo ra cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu. Giá trị suất khẩu của Việt Nam tăng 21,4% trong 9 tháng đầu năm, đạt 289,14 tỷ USD vừa thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông mọi tiềm năng tăng trưởng đồng thời phản ánh xu thế phục hồi của nền kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, đầu tư quốc tế tiếp tục chuyển dịch sang các thị trường tiềm năng có chính trị -xã hội ổn định, môi trường đầu tư cải thiện, tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ các dòng vốn mới, nhất là dòng vốn gắn với công nghệ cao.
Những tiềm năng này thực sự là động lực cho các nhà đầu tư tham gia vào quá trình cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước.
Đến nay đã có 12/16 Tổng Cty lớn thuộc Bộ Xây dựng đã cổ phần hóa, hiện có 5 doanh nghiệp (DN) đã thực hiện giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán nhưng chưa niêm yết (UpCOM) là Tổng Cty Sông Hồng, LICOGI, Xây dựng Hà Nội, Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) và Tổng Cty Xây dựng số 1 (CC1). 5 DN đã và đang hoàn tất thủ tục, chờ niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM gồm Tổng Cty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Xây dựng Bạch Đằng, Cơ khí Xây dựng COMA, Vật liệu Xây dựng số 1 FICO và Lắp máy Việt Nam LILAMA. Cả 5 DN này đều đã nộp hồ sơ lên Sở Giao dịch chứng khoán; một số đơn vị đã hoàn tất thủ tục, đang chờ được chấp thuận; số còn lại đang hoàn tất thủ tục theo yêu cầu. Theo kế hoạch, cả 5 đơn vị trên đều sẽ hoàn tất thủ tục để thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM trong quý III/2017. Tổng Cty Sông Đà và IDICO sẽ IPO trong tháng 10/2017; HUD sẽ IPO trong quý IV/2017. |
Theo Lê Mỹ (baoxaydung.com.vn)