Sáng nay, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không có chuyện người nước ngoài mua đất tại 3 đặc khu.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu vấn đề về tình trạng phức tạp trong giao dịch mua bán đất đai tại 3 nơi dự kiến trở thành đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), đặc biệt là có thông tin người nước ngoài đã đến khu vực này để mua nhà.
Ông Tiến đặt câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết thực trạng để đại biểu yên tâm trước khi bấm nút thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Hà nói, quy định hiện hành chỉ cho phép người nước ngoài mua chung cư ở đô thị, không được phép mua đất. Ông khẳng định: “Chính phủ chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, qua đó, chưa phát hiện người nước ngoài mua đất, họ chỉ mua các căn hộ chung cư ở các đô thị”. Vị Bộ trưởng nói thêm: “Đại biểu thấy ở đâu người nước ngoài mua đất thì báo cho Bộ, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, điều tra xem bằng cách nào họ mua được, vì như vậy là trái pháp luật Việt Nam”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định không có chuyện người nước ngoài mua đất tại đặc khu
Nêu một nghịch lý trong công tác quản lý đất đai hiện nay, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói, có dự án đầu tư dù đền bù giá cao hơn trước khi có dự án nhưng vẫn có tình trạng người dân đi khiếu kiện.
Đại biểu Cường nói: “Một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, đại gia cũng ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản. Ở những vùng càng phát triển, giá đất càng tăng, Chính phủ càng bỏ ra nhiều tiền để đền bù, người dân càng phát sinh khiếu kiện”.
“Chính sách đất đai của ta, đặc biệt là các công cụ kinh tế, có liên quan gì đến tình trạng trên. Chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi nhà đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp, miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?”, ông Cường đặt câu hỏi, đồng thời bình luận thêm: “Tôi cho rằng chính quyền không thể ra chỉ thị cấm giao dịch. Chúng ta có giải pháp gì để giải quyết tận gốc vấn đề này, vì nếu Quốc hội ra nghị quyết thì vi phạm hiến pháp”.
Bộ trưởng Hà cho rằng vấn đề này liên quan đến việc định giá đất đai nên “đây là câu hỏi rất khó”.
Cho biết hiện có 5 phương pháp định giá đất đai nhưng ông Hà cũng nhận định “thế giới làm như vậy được còn Việt Nam rất khó làm” bởi đất đai rất biến động, chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang quy hoạch phát triển bất động sản là đã rất khác nhau. Ông Hà nhấn mạnh: “Thế giới quy hoạch rất rõ ràng và không có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất”.
Về việc sốt đất tại ba đặc khu, Bộ trưởng Hà cho rằng, trừ những giao dịch ngầm, vi phạm pháp luật thì chúng ta không thừa nhận, sẽ xử lý, còn lại, phải dùng các công cụ kinh tế để hiện tượng sốt đất không diễn ra.
Ông Hà nói: “Chúng ta sẽ xem xét một người được mua bao nhiêu đất, nếu mua nhiều hơn thì tăng giá lên… Hoặc ba năm không sử dụng thì tăng thuế lũy tiến đất đai lên. Các công cụ kinh tế tôi đã có nghiên cứu và thấy là hiệu quả hơn là việc sử dụng các biện pháp hành chính”.
(Theo Pháp luật Tp.HCM Online)