Mục lục

Năm 1986, Việt Nam mới chỉ có khoảng 335 ha đất dành riêng cho các khu công nghiệp thì đến năm 2018, con số này đã lên tới 80.000 ha đất. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghiệp của Đông Nam Á bởi tốc độ phát triển vượt bậc. Thị trường bất động sản công nghiệp đang trên đà tăng trưởng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

BĐS công nghiệp miền Bắc: Làn sóng mới từ Trung Quốc

Theo bà Trang Bùi, Giám đốc JLL Việt Nam thì thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc khởi đầu muộn hơn so với phía Nam nhưng đã đạt được những bước tiến đáng chú ý trong những năm qua. Tổng diện tích khu công nghiệp miền Bắc hiện là 18.900 ha, trong đó tổng diện tích đã xây dựng là 2,7 triệu m2 và không ngừng tăng qua các năm. Giá cho thuê bất động sản công nghiệp miền Bắc hiện dao động từ 3-5,7 USD/m2/tháng.

Bất động sản công nghiệp miền Bắc

Bà Trang Bùi, Giám đốc JLL Việt Nam cho biết phía Bắc đang đón
nhận một làn sóng dịch chuyển nhà xưởng lớn từ Trung Quốc

Đáng chú ý, theo Giám đốc JLL Việt Nam, phía Bắc Việt Nam đang đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà xưởng lớn từ Trung Quốc do đất nước này đang có xu hướng chuyển từ nền công nghiệp cơ bản sử dụng nhiều lao động sang lắp ráp sản phẩm công nghệ cao, nhiều công xưởng đã được dịch chuyển tới các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Phía Bắc Việt Nam được coi là lựa chọn số 1 cho làn sóng dịch chuyển này bởi vị trí địa lý giáp Trung Quốc và nguồn lao động dồi dào, chi phí lao động thấp hơn. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hiện chi phí sản xuất tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất là 1 USD/giờ. Mức chi phí này cũng thấp hơn so với Trung Quốc.

Bất động sản khu công nghiệp phía Bắc đang có rất nhiều thuận lợi để tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Cơ sở của nhận định này đến từ lợi thế của tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Ngoài ra, làn sóng đổ bộ của các nhà sản xuất Trung Quốc và sự tăng trưởng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất lớn chọn nơi đây là điểm dừng chân.

Cùng với đó, mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải đang ngày càng được hoàn thiện ở phía Bắc. Đây là nền tảng để bất động sản công nghiệp phía Bắc thiết lập các nhà máy, nhà kho, nhà xưởng và các bất động sản hậu cần khác trong tương lai.

BĐS công nghiệp miền Nam: Đứng đầu về diện tích đất

Bất động sản công nghiệp ở phía Nam tập trung tại vùng ven Tp.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Đây được coi là “cái nôi” phát triển công nghiệp của Việt Nam và là khu kinh tế lớn nhất trên toàn quốc.

Đến nay, phía Nam Việt Nam sở hữu diện tích đất công nghiệp lớn nhất cả nước với tổng cộng 44.700 ha đất công nghiệp, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp đã được xây dựng là 3,04 triệu. Giá thuê trung bình là 2-5 USD/m2/tháng.

Bất động sản công nghiệp miền Nam

Bất động sản công nghiệp ở phía Nam tập trung tại vùng ven
Tp.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai

Giống như miền Bắc, phía Nam cũng sở hữu những thuận lợi tương đồng để bất động sản công nghiệp phát triển mạnh trong tương lai như lợi thế ở quỹ đất đai có sẵn tại các tỉnh trọng điểm (trừ Tp.HCM) cho các giai đoạn mở rộng trong tương lai; hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông, hệ thống nhà xưởng đã được thiếp lập sẵn. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Tp.HCM – một trong những đầu tàu về kinh tế cả nước cũng là một thuận lợi lớn cho bất động sản công nghiệp phía Nam, bởi đa số các thương hiệu mới muốn quảng bá, xâm nhập Việt Nam vẫn thường chọn “đầu tàu” Tp.HCM để tiếp cận thị trường trước tiên.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu JLL Việt Nam, bất động sản công nghiệp phía Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai như các cơ sở hạ tầng do đã được hình thành từ lâu nên chất lượng ở nhiều khu vực không còn tốt. Nếu so sánh với cơ sở hạ tầng ở miền Bắc thì cơ sở hạ tầng ở miền Nam hiện không mạnh bằng.

Ngoài ra, việc không gần Trung Quốc về mặt địa lý (trong khi làn sóng đổ bộ của quốc gia này đang rất mạnh mẽ) khiến cho các nhà máy phía Nam bất lợi so với các nhà máy phía Bắc về mặt thời gian, di chuyển các linh kiện sản xuất đến các nhà máy lắp ráp.

BĐS công nghiệp miền Trung: vẫn còn đang giai đoạn trứng nước

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn hoạt động phát triển tập trung ở Đà Nẵng và Quảng Nam.

Thị trường khu công nghiệp và bất động sản công nghiệp miền Trung vẫn còn đang ở giai đoạn trứng nước nếu so sánh với 2 miền Bắc, Nam. Tổng diện tích đất công nghiệp ở miền Trung hiện là 17.600 ha, trong đó tổng diện tích xây dựng là 229.500 m2, thấp nhất cả nước về diện tích đất công nghiệp. Giá thuê bất động sản công nghiệp miền Trung dao động từ 2,5-3 USD/m2/tháng. Các ngành công nghiệp trọng điểm trong khu vực chủ yếu tập trung vào các dự án công nghiệp nhẹ như công nghiệp chế biến thực phẩm.

Theo bà Trang Bùi, dù còn đang ở giai đoạn trứng nước nhưng thị trường khu công nghiệp và bất động sản khu công nghiệp miền Trung đang sở hữu những thuận lợi riêng mà nếu biết phát huy thì khu vực này sẽ có những bước tiến mới trong thời gian tới.

Đó là, các quỹ đất có sẵn cho các giai đoạn mở rộng trong tương lai ở miền Trung đang rất lớn. Đặc biệt, chi phí lao động ở miền Trung rẻ hơn so với miền Bắc và miền Nam. Tỷ lệ lao động trẻ tuổi ở khu vực này tương đối cao so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở khu vực miền Trung cũng đang được đầu tư mạnh và đang dần hoàn thiện.

Thúy An

(Theo Enternews.vn)