Mục lục

Nếu gói tín dụng 65.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân được thông qua sẽ giống như “trận mưa rào đổ xuống vùng đất hạn hán,” tạo động lực lớn cho nền kinh tế phát triển.

Theo nhận định của giới chuyên gia bất động sản, nếu Chính phủ đồng ý cấp 65.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân như kiến nghị của Bộ Xây dựng thì không chỉ công nhân, người lao động được hưởng lợi lớn, mà còn đem lại “sức sống” cho nền kinh tế.

thị trường bất động sản

Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Động lực thu hút công nhân trở lại làm việc

Vào ngày 28/10, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng chấp nhận đưa vào Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế – xã hội sau dịch COVID-19 gói tín dụng và cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng số tiền lên tới 65.000 tỷ đồng.

Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Gói tín dụng còn lại 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho các đối tượng được vay ưu đãi gồm công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp; chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của luật Nhà ở.

Chia sẻ về gói tín dụng an sinh cho người lao động trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HOREA) khẳng định bản thân ông cũng như nhiều người lao động đang rất nóng lòng chờ Chính phủ sẽ chấp thuận kiến nghị của Bộ Xây dựng, bởi gói tín dụng này có sức lan tỏa rất lớn.

“Chúng ta đã thấy được hiệu quả từ gói 30.000 tỷ đồng triển khai trong giai đoạn 2013-2016, đó là hàng nghìn gia đình có chỗ ở ổn định, giải quyết được lượng lớn tồn kho bất động sản, giảm nợ xấu, tạo đà phục hồi mạnh cho thị trường bất động sản. Vì thế, nếu đề xuất gói tín dụng 65.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng được Chính phủ thông qua, vấn đề nhà ở cho người lao động sẽ được giải quyết rất lớn,” ông Châu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Châu, bất động sản còn liên quan đến hơn 30 ngành nghề khác như vật liệu xây dựng, nhà thầu thi công… nên sẽ tạo ra được vô số việc làm để thu hút nhân công trở lại làm việc, thay vì dòng người di tản về quê dẫn đến thiếu hụt lao động như hiện nay. Việc nhân công có niềm tin trở lại lao động an toàn cũng là điều kiện tiên quyết của phục hồi sản xuất, đem lại sức sống cho nền kinh tế.

Chủ tịch HOREA cũng rất hào hứng với kiến nghị “dồn lực” làm nhà ở xã hội, nhà công nhân bởi đây là điều kiện tiên quyết, phù hợp với tư duy an cư lập nghiệp của người Việt.

“Đơn cử như ở Thành phố Hồ Chí Minh có 3 triệu người nhập cư, Bình Dương có đến quá nửa dân số là người nhập cư. Vì thế, nếu cơ chế chính sách hỗ trợ đúng, trúng về nhà ở sẽ giúp lực lượng lao động lớn này ổn định đời sống,” ông Châu nhấn mạnh.

thị trường bất động sản
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng tin tưởng nếu kiến nghị cấp 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất trong bối cảnh hiện nay của Bộ Xây dựng được chấp thuận sẽ như “trận mưa rào đổ xuống vùng đất hạn hán,” tạo động lực phát triển không chỉ cho ngành bất động sản mà còn nhiều ngành khác của xã hội.

Cần rà soát chính sách ưu đãi, giải quyết quỹ đất

Tuy nhiên, về ưu đãi cho các chủ đầu tư, theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính thì cần phải xem xét lại, bởi thực tế hiện nay doanh nghiệp không mấy mặn mà với cơ chế ưu đãi xây dựng nhà ở xã hội.

“Do đó, Bộ Xây dựng cần phải rà soát lại chính sách ưu đãi đã thật sự ưu đãi chưa, nhất là cơ chế về vốn, quỹ đất xây nhà ở cho người lao động. Bên cạnh đó là những vấn đề cần làm rõ hơn như cơ chế giám sát thực hiện, kiểm soát đối tượng hưởng ưu đãi. Nếu không kiểm soát tốt, công khai, rất dễ nảy sinh tiêu cực, ưu đãi sẽ không đến được đối tượng cần thiết,” ông Đính lưu ý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cũng cho rằng để gói tín dụng trên thực sự hiệu quả, trước mắt cần cấp bách nâng cấp chất lượng nhà trọ công nhân. Về nguồn vốn, trong khi chờ các gói tín dụng lớn thì có thể xem xét triển khai luôn gói 3.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội (trong đó 1.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, 2.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại) đã được nhà nước thông qua đầu tháng 4/2020.

“Gói này tuy nhỏ nhưng sẽ tạo ra sức lan tỏa ngay, giải quyết được nhiều nhu cầu cấp thiết. Do đó, mỗi địa phương, nhất là các tỉnh có các khu công nghiệp lớn cần rà soát để đề xuất chuyển đổi những khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại sang nhà công nhân để tạo điều kiện an sinh tốt cho lực lượng có sức lao động lớn trong xã hội, thúc đẩy ổn định sản xuất, phục hồi kinh tế,” ông Châu nêu quan điểm.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định nếu kiến nghị trên được Chính phủ chấp thuận, nguồn vốn đầu tư công được phân bổ sẽ tạo động lực lớn, tác động tích cực lên nhiều mặt của nền kinh tế.

Tuy nhiên, về khó khăn liên quan đến quỹ đất, ông Sinh cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất cơ chế gắn chặt trách nhiệm của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là phải quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát việc sử dụng quỹ đất các khu công nghiệp hiện hữu để quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân thuê. Trong kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm, địa phương cũng phải rà soát, bổ sung dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân.

Song song với đó, các địa phương cũng phải có các cơ chế, giải pháp cụ thể, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội; rà soát, tổng hợp và lập danh mục các dự án nhà ở xã hội cho công nhân… đáp ứng tiêu chí xét duyệt có đề nghị vay vốn hỗ trợ và gửi về Bộ Xây dựng để được xem xét cho vay./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-gia-goi-65000-ty-dong-se-tao-suc-song-moi-cho-nen-kinh-te/750382.vnp