Mục lục

“Cơn sốt” đất diễn ra khắp mọi vùng miền cả nước kéo theo nhiều nhà đầu tư mới ôm tiền nhảy vào thị trường này với hi vọng kiếm lời từ bất động sản.

Dù tìm hiểu thị trường khá lâu và cũng từng đầu tư nhưng đây là lần đầu tiên ông Phát, một nhà đầu tư tại quận 2, TP. Thủ Đức dám ôm hơn 8 tỷ về Long Thành, Đồng Nai cùng bạn bè săn đất đón làn sóng quy hoạch tương lai của khu vực này. Ông Phát cho biết, trước kia nhiều người từng tư vấn ông nên cân nhắc Đồng Nai nhưng do thời điểm đó vẫn còn nhiều lựa chọn tại TP.HCM nên nhà đầu tư này không để tâm. Hiện nay thành phố ngày càng khó kiếm các suất đầu tư hấp dẫn, giá đất cao, chi phí bỏ ra lớn, nguồn sản phẩm không nhiều nên ông quyết định đánh bắt xa bờ ở các thị trường lân cận.

“Tôi cũng tính sẽ đầu tư BĐS từ năm 2020 nhưng thời điểm đó thấy thị trường nguội lạnh quá không dám nhảy vào. Giờ vừa qua Tết, dân tình rần rần kéo nhau đi mua đất, thị trường nóng lên tôi cũng tự tin hơn. Đất sốt khắp nơi, thấy nói mua đất ở đâu giờ cũng có lời nhưng mình không nhiều kinh nghiệm, cứ chọn thị trường nào truyền thống, thanh khoản tốt mà hạ tầng đang phát triển để đầu tư, dù mua hơi đắt nhưng an toàn”, ông Phát cho hay.

Sốt đất ăn theo hạ tầng

Những cơn sốt đất ăn theo hạ tầng đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư mơi tham gia vào cuộc chơi săn đất chờ lên giá. Ảnh minh họa

Trước lời khuyên nhảy vào thị trường khi đang nóng sốt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ông Phát cho rằng với BĐS nếu không lướt sóng thì không đáng lo ngại. Người tăng đất không tăng nên nếu có tiềm năng đất cở nào cũng còn tăng giá. Tôi cũng không có ý định bán nhanh, bán ngay mà chấp nhận đầu tư dài hạn 2-3 năm sau khi hạ tầng phát triển, sinh lời nhiều thì mới bán.

Tuy nhiên không phải ai cũng chịu chơi và chịu chờ như ông Phát, nhiều nhà đầu tư không chuyên lao vào cuộc săn đất với tâm lý đi nhanh về gấp. Gom được hơn 4 tỷ đồng từ bán căn nhà phố mặt tiền tại thị xã Bình Long (Bình Phước), chị T.A (An Dương Vương, quận 5) quyết định gom hết tiền về Cần Giờ đầu tư đất theo cơn sóng đô thị biển. Vốn trước đến nay chưa từng đầu tư BĐS, thấy bạn bè rủ rê và lại sẵn có tiền nên nhà đầu tư này quyết làm giàu từ đất. Lựa chọn đầu tiên của chị vốn là một lô đất dự án trên đường Nguyễn Xiển, TP. Thủ Đức, tuy nhiên giá bán lại lên đến 63 triệu/m2 nên chị T.A sợ khó ra hàng nhanh. Đắn đo cân nhắc, nhà đầu tư này chuyển xuống Cần Giờ gom đất vì ở đây đang có sóng quy hoạch.

“Tôi có hỏi trước với bên môi giới, họ cam đoan có thể ra hàng cho tôi chậm nhất là tầm 6-8 tháng. Trong trường hợp không có lời thì cũng sẽ bán đúng giá chứ không lỗ, vậy nên tôi quyết định mua, xem như khoản đầu tư học hỏi, được càng vui thua cũng vẫn lấy lại vốn”, chị T.A cho hay. Được biết số tiền trên chị đã tính sẽ dành mua nhà tại TP.HCM nhưng do chưa tìm được căn ứng ý nên quyết định mang đi đầu tư ngắn hạn.

Thị trường bất động sản đầu năm 2021

Sau Tết, tại nhiều địa phương sôi sục tình trạng giao dịch BĐS, nhiều khu vực lượng khách đổ về tìm kiếm đất tăng gấp 2-3 chỉ lần trong 1-2 tháng, nhiều nơi người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất, rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư vào đất. Cơn sốt đất từ Bắc đến Nam đặt ra nhiều lo ngại rủi ro khi dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS, sau chứng khoán nửa cuối năm 2020. Tính từ đầu năm đến nay, một số khu vực vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận xuất hiện tình trạng sốt đất, kéo theo đó là làn sóng nhiều nhà đầu tư không chuyên nhảy vào thị trường. Nếu phần lớn dân đầu tư lâu năm đều giữ tâm lý ôm đất dài hạn chứ không lướt sóng. Nhà đầu tư mới có xu hướng thích lướt ngắn hạn thay vì chôn vốn lâu.

nhà đầu tư gom đất vùng ven chờ tăng giá

Nhờ quy hoạch hạ tầng mà nhà đất vùng ven TP.HCM và các tỉnh giáp ranh đang trở thành miếng bánh ngon trong mắt nhà đầu tư. Ảnh minh họa

Anh Khôi, một môi giới nhà đất Đồng Nai cho biết, không ít khách hàng của anh mua đầu tư ngắn hạn, nhiều người mới mua tháng trước mà tháng sau đã hỏi chuyện bán ra. “Trong tâm sốt đất, việc bán đi bán lại trong thời gian ngắn là bình thường nhưng với thị trường đầu tư bền vững, 6 tháng đến 1 năm bán ra đã là khá sớm. Nếu trung bình cũng cần ít nhất 1-2 năm để dự án hoàn thiện hạ tầng hay các biến động nhu cầu, nguồn cung. Nhiều nhà đầu tư thích đánh nhanh thắng nhanh lao vào nhà đất theo làn sóng, mới mua chưa đến 6 tháng đã đòi bán ra lời 20-30%.

Chia sẻ về làn sóng đầu tư BĐS gần đây, một lãnh đạo doanh nghiệp BĐS tại TP. Thủ Đức cho biết, không ít nhà đầu tư, môi giới đã thu lãi đậm nhờ việc ôm đất chờ thời. Nhiều người trúng lời do mua đất từ thời điểm giá rẻ rồi chờ giá lên thì bán ra. Những câu chuyện sau 1 năm kiếm tiền gấp đôi, trong vài tháng kiếm cả tỷ đồng được truyền tai nhau khiến nhiều người chưa có kinh nghiệm cũng hân hoan tham gia vào đầu tư nhà đất. Bài học về hệ lụy, trái đắng khi đầu tư thất bại không đủ sức răn đe người mua khi trái ngọt từ BĐS quá hấp dẫn. Đầu tư BĐS có thắng có thua nhưng khi mới bước chân vào thị trường này, mọi người đều nghĩ mình sẽ thắng. Trong đầu tư, nhất là đầu tư phân khúc có nguồn vốn lớn như nhà đất, người mua cần có kiến thức và thông tin vững chắc, tuy nhiên hiện nay không ít người chỉ đi theo đám đông, phụ thuộc hoàn toàn vào giới thiệu từ người quen, tư vấn từ môi giới hay thông tin hạ tầng bên lề nghe được.

Hạ tầng được xem là đòn bẩy để tăng giá trị BĐS song bên cạnh hạ tầng kỹ thuật còn phải cần có sự phát triển của hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế… để thu hút người dân về sinh sống. Nếu chỉ ăn theo hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng lớn thì sẽ rất rủi ro.

( Theo Phương Uyên / Thanhnienviet )