Mục lục

Sau đại dịch Covid-19, văn phòng chia sẻ co-working từng bước có sự phục hồi. Trước đó, sự suy giảm vì đại dịch của phân khúc này chỉ mang tính chất nhất thời. Và co-working vẫn được đánh giá là sản phẩm tiềm năng của tương lai bởi sự áp đảo của thế hệ millennials và sự gia tăng của khối doanh nghiệp SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ), trong đó có sự nở rộ của các startup.

Trong những năm qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự bùng nổ của mô hình văn phòng chia sẻ co-working. Một thống kê của CBRE vào năm 2018 cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, số lượng không gian làm việc chung đã tăng lên 62% và tỉ lệ tăng trưởng trung bình là 55% trong vòng 5 năm từ 2013 – 2018. Thị trường co-working Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi như WeWork, Regus, Dreamplex, Toong, UP, CoGo, Regus, CirCo, The Hive… Riêng tại thị trường Hà Nội, phân khúc văn phòng chia sẻ có số lượng nhà phát triển tăng mạnh, đạt khoảng 40 đơn vị.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, do tác động của Covid-19, trong quý 1/2020, công suất thuê của phân khúc văn phòng chia sẻ đã giảm đáng kể do đặc thù thời hạn cho thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt. Ứng phó với dịch bệnh, có những văn phòng chia sẻ đã giảm giá thuê các dịch vụ 20-30% để giữ chân khách hàng, cá biệt những nơi lên tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này cũng tích cực hoạt động trên môi trường trực tuyến, tuân theo các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch. Hiện một số nhà phát triển đang tính đến việc cơ cấu lại hệ thống các địa điểm đang mở tùy thuộc hiệu quả hoạt động của từng vị trí.

Bất động sản hồi phục sau dịch
Sau đại dịch Covid-19, văn phòng chia sẻ co-working từng bước có sự phục hồi. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt và hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh chịu sự sụt giảm về doanh thu, văn phòng chia sẻ đang có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động. Khác với văn phòng truyền thống – vốn yêu cầu sự đầu tư lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, văn phòng chia sẻ là giải pháp hữu hiệu với nhiều doanh nghiệp sau dịch, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ hay start up khởi nghiệp. Thế mạnh của mô hình này là chi phí thuê thấp, tiền đặt cọc ít, thời gian thuê không quá dài nhưng đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí. Đây là những yếu tố mang tính chất ưu điểm của mô hình văn phòng, có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự…

Theo bà Hằng, nhóm doanh nghiệp kinh doanh văn phòng chia sẻ cần phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. Họ cũng cần chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Sự ưa chuộng đối với không gian linh hoạt sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc văn phòng chia sẻ. Đến năm 2024, thế hệ millennials sẽ chiếm 75% lực lượng lao động. Nhóm người này quan tâm đến sự đa dạng, linh hoạt của mô hình văn phòng. Do đó, mô hình coworking cần chú trọng cách thiết kế văn phòng và các tiện ích bổ sung nhằm thu hút khách hàng.

 

( Theo An An – Thanhnienviet )