Mục lục

Mới đây, trong một hội thảo về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với thị trường bất động sản, một số nhà đầu tư phân khúc bất động sản công nghiệp lo ngại có hiện tượng đầu tư trá hình vào lĩnh vực này để trục lợi.

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Thắng một nhà đầu tư cá nhân vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp cho biết, trong vòng 2 tháng trở lại đây, phân khúc bất động sản công nghiệp tại tứ giác phát triển phía Nam gồm 4 tỉnh, thành phố là Tp.HCM; Bà Riạ – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai đang rơi vào khủng hoảng. Giá đất tại những khu vực này tăng đột biến là do sự tham gia của rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó không loại trừ hiện tượng đầu tư trá hình (một số nhà đầu tư Trung Quốc mượn danh nghĩa doanh nghiệp khác để đầu tư). Đây là tình trạng gây nhiều hệ lụy về giao thông và nguồn lao động tại các khu vực này.

Ông Thắng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do cơn sốt đầu tư vào bất động sản công nghiệp đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài gia tăng vào Việt Nam. Trong đó đáng chú ý nhất là xu hướng chuyển nhà máy sản xuất thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam của một lượng lớn nhà đầu tư dưới tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Một nhà đầu tư khác cũng tỏ rõ sự quan ngại trước sự xuất hiện của một số đối tượng trục lợi bằng cách lợi dụng chính sách thu hút đầu tư vào các dự án bất động sản công nghiệp. Động thái này có thể sẽ khiến hệ thống tài chính và nền kinh tế gặp rủi ro.

Trước những lo ngại nói trên của nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhìn nhận để đầu tư vào các dự án bất động sản hạ tầng cần phải có sự liên kết nên cũng đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ban, ngành trong công tác quản lý quy hoạch. Còn để giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế, phía Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự tỉnh táo trong việc điều hành các chính sách tiền tệ.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam
Các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm thị trường bất động sản công
nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Huế

Bàn về ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung với thị trường bất động sản, ông Võ Trí Thành đánh giá đây cũng chính là cơ hội cho phân khúc bất động sản hỗ trợ sản xuất kinh doanh, gồm khu công nghiệp, logictics, hạ tầng vì nhiều nhà đầu tư ngoại như Nhật Bản, Hàn Quốc đều muốn chuyển hướng thương mại sang Việt Nam.

Sự chuyển hướng thương mại của các nước như nói trên không chỉ tạo cơ hội phát triển cho các sản phẩm bất động sản hỗ trợ sản xuất kinh doanh như khu công nghiệp, logictics, hạ tầng mà ngay cả các bất động sản nhà ở cũng được hưởng lợi nhờ có thêm nguồn cầu từ đối tượng lao động đi theo các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển thương mại còn đi kèm với nguồn tài chính nên sẽ giúp thị trường bất động sản gia tăng nguồn tiền đáng kể. Tín hiệu này được đánh giá rất khả quan với thị trường bất động sản khi mà dòng vốn tín dụng đổ vào thị trường này ngày càng bị bó hẹp.

Tuy nhiên đi kèm với cơ hội sẽ là các rủi ro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, đến cuối năm 2019, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Trường hợp cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung vẫn không ngừng lan rộng và kéo dài thì chắc chắn cũng sẽ kéo giảm thương mại, khiến tổng cầu giảm, cùng với đó các rủi ro từ Trung Quốc sẽ bị đẩy sang ASEAN, trong đó có Việt Nam.

“Do vậy, nhìn về dài hạn với chiến lược chuyển hướng bảo hộ trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo sẽ chững lại vào cuối năm 2019 và có thể kéo dài đến hết năm 2020 thì quản trị rủi ro là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư bất động sản”, ông Thành khuyến cáo.

 

(Theo Hải Quan Online)