Mục lục

Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) có thanh khoản tốt dần lên, mua bán chuyển nhượng các dự án BĐS cũng diễn ra sôi động.

M&A (sáp nhập và mua lại) dự án bất động sản là quá trình mua bán – chuyển nhượng dự án hay tài sản bất động sản giá trị lớn. Tại Việt Nam, hoạt động M&A diễn ra sôi động với sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước và nước ngoài.

Theo các chuyên gia, hoạt động M&A thay đổi theo thời gian. Nếu giai đoạn 2011 – 2013, thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng thì hoạt động chuyển nhượng, mua bán dự án chỉ diễn ra trong âm thầm. Từ năm 2014 đến nay, thị trường bất động sản có thanh khoản tốt dần lên, M&A dự án diễn ra sôi động. Nhiều thương vụ M&A lớn đã diễn ra ở các dự án quy mô như: Sky Park Residence, Grand Mercury Hotel, Richy Tower, Sunshine City, FLC Complex Phạm Hùng…

Sôi động M&A bất động sản

Những vấn đề liên quan đến hoạt động M&A BĐS đã được các chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị BĐS Việt Nam do Batdongsan.com.vn tổ chức diễn ra ngày 13/12.

Các chủ đầu tư trong nước nắm nguồn cung chủ yếu cho các thương vụ M&A. Có những lợi thế về quan hệ, am hiểu thị trường, nhiều chủ đầu tư nắm cả những dự án chưa được triển khai. Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty tư vấn BĐS Soho Việt Nam, NĐT trong nước có lợi thế là thạo thủ tục pháp lý nên tiến hành chuyển nhượng nhanh; linh hoạt trong đầu tư thanh toán vì am hiểu thị trường. Trước đây, các NĐT chủ yếu tham gia các thương vụ M&A quy mô nhỏ từ vài chục đến vài trăm tỉ thì khoảng 2-3 năm gần đây, NĐT trong nước đã tham gia mua lại các dự án quy mô từ 1.000 – 3.000 tỉ/dự án.

Những năm qua, hoạt động M&A có sự góp mặt ngày càng nhiều của các NĐT nước ngoài khiến thị trường này sôi động hơn hẳn. Các phân khúc chuyển nhượng, mua lại của NĐT nước ngoài chủ yếu là chung cư, khách sạn, resort, trung tâm thương mại. Họ tham gia góp vốn vào doanh nghiệp BĐS có uy tín, có quỹ đất hoặc thông qua hình thức mua trái phiếu chuyển đổi. Sau khi tham gia NĐT có thể hợp tác trong từng dự án cụ thể và hỗ trợ cho vay bằng nguồn vốn ưu đãi. Dòng vốn M&A BĐS những năm qua chủ yếu đến từ khu vực Đông Nam Á và châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore. Theo các chuyên gia, BĐS Việt Nam đang được các NĐT quốc tế đánh giá cao trong giai đoạn 2016 – 2018 là lý do khiến NĐT nước ngoài quan tâm. Cụ thể, Tp.HCM được xếp hạng 5 về triển vọng đầu tư và hạng 2 về triển vọng phát triển; xếp hạng 1 về khuyến nghị mua BĐS lẻ, BĐS công nghiệp, văn phòng và căn hộ.

Trao đổi tại Hội nghị BĐS Việt Nam do kênh Batdongsan.com.vn tổ chức vào ngày 13/12 tại Tp.HCM, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam cho rằng: “Những năm qua, BĐS là lĩnh vực diễn ra hoạt động M&A sôi động nhất. Trong đó NĐT ngoại đóng vai trò quan trọng cho những thương vụ lớn. Quy mô bình quân ở các thương vụ ở mức 50-60 triệu USD, tuy nhiên còn nhiều thương vụ chưa được công bố. Trong đó, các thương vụ M&A tập trung chủ yếu tại thị trường Tp.HCM, thị trường này được kỳ vọng sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2018”.

Đánh giá về hoạt động M&A BĐS trong năm 2017, ông Phan Xuân Cần khẳng định: “M&A BĐS trong năm 2017 diễn ra sôi động và đã minh bạch hơn trước rất nhiều. Trong năm 2018, dự báo sẽ có nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS với quy mô ngày càng lớn. Trong đó tập trung chủ yếu vào các phân khúc như căn hộ, văn phòng, khu đất đô thị…”. Ông Cần nhấn mạnh, phân khúc văn phòng được dự báo sẽ là điểm sáng của M&A vì tính khan hiếm và giá cho thuê cao. Tiếp đến là loại hình khách sạn, khu resort. Năm 2018, dự báo lượt khách du lịch đến Việt Nam sẽ tăng lên là tiền đề để phân khúc này thu hút các NĐT tham gia mua bán, chuyển nhượng.

Bên cạnh những ưu điểm của hoạt động M&A BĐS như rút ngắn được thời gian, thủ tục của các doanh nghiệp; tăng quy mô công ty… thì các vấn đề như pháp lý, thông tin không hoàn hảo, định giá quá cao… cũng là rào cản đối với các chủ đầu tư khi tham gia mua bán, sáp nhập. Ngoài ra, trong quá trình M&A còn nảy sinh một số vấn đề như: bên mua và bên bán chưa hiểu biết đầy đủ về quá trình M&A BĐS; không biết tiến hành giao dịch như thế nào. Từ đó, khiến các thương vụ không được tiến hành thuận lợi, ảnh hưởng thời gian giữa các bên.

Thông tin chi tiết về phiên chuyên đề “VRES 2017: M&A trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam”, quý vị vui lòng xem TẠI ĐÂY.

 

Theo Phương Nga (batdongsan.com.vn)